"Các tác động phức tạp về an ninh, kinh tế và tài chính đòi hỏi thiện chí của tất cả các bên để đạt được một thỏa thuận toàn diện" - ông Guterres nhấn mạnh tại một cuộc họp của LHQ giữa lúc tình trạng thiếu ăn trên toàn cầu đang ngày một nghiêm trọng.
Theo ông Guterres, số người phải đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng tăng từ 135 triệu trước đại dịch Covid-19 lên 276 triệu người hiện nay. Hơn 500.000 người đang sống trong điều kiện đói kém, tăng hơn 500% so với năm 2016.
Ukraine và Nga chiếm 1/3 sản lượng lúa mì và lúa mạch, 1/2 sản lượng dầu hướng dương của thế giới. Ngoài ra, Nga và Belarus là nhà sản xuất kali (một thành phần chính của phân bón) lớn thứ 2 và 3 thế giới.
Vì thế, theo ông Guterres, hiện không có giải pháp hiệu quả nào cho cuộc khủng hoảng lương thực trừ khi đưa lương thực của Ukraine, cũng như lương thực và phân bón của Nga, Belarus vào thị trường thế giới bất chấp cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay.
Theo người đứng đầu LHQ, cuộc khủng hoảng này khiến các cảng ở biển Đen của Ukraine đóng cửa, làm đình trệ hoạt động xuất khẩu lương thực sang nhiều nước đang phát triển.
Một phụ nữ thu thập ngũ gốc được phân phát tại một trại tị nạn ở Somalia Ảnh: REUTERS
Cùng ngày, Ngân hàng Thế giới thông báo sẽ dành hơn 30 tỉ USD để giúp ngăn chặn cuộc khủng khoảng lương thực hiện nay. Trong số này, 12 tỉ USD được chi cho các dự án mới và hơn 18 tỉ USD cho các dự án liên quan đến thực phẩm và dinh dưỡng hiện đã được phê duyệt nhưng chưa được giải ngân.
Theo Reuters, các dự án mới dự kiến tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, các dự án thủy lợi và nỗ lực giúp giảm tác động của giá lương thực cao đối với người nghèo…
Phần lớn nguồn lực sẽ tập trung vào châu Phi, Trung Đông, Đông Âu, Trung và Nam Á. Nhận định tình trạng giá lương thực tăng đang tác động đến những người nghèo và dễ bị tổn thương nhất, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass kêu gọi các nước lập tức công bố giải pháp tăng sản lượng lương thực để đối phó các tác động từ cuộc xung đột Nga - Ukraine.
An ninh lương thực cũng là một trong những nội dung thảo luận chính tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương của G7 (nhóm 7 nước phát triển hàng đầu thế giới) tại Đức trong 2 ngày 19 và 20-5.
Trước đó, tại cuộc họp vào cuối tuần rồi, các bộ trưởng nông nghiệp G7 đã bày tỏ nỗi lo về tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine đối với an ninh lương thực toàn cầu. Theo các quan chức này, tình trạng gián đoạn xuất khẩu từ Ukraine đã góp phần làm gia tăng sức ép lên hệ thống lương thực thế giới, bên cạnh tác động của biến đổi khí hậu và các thách thức khác.
Các bộ trưởng cam kết hỗ trợ Ukraine nối lại xuất khẩu nông nghiệp, cũng như có những biện pháp cần thiết để ngăn chặn các hành vi có thể khiến giá lương thực tăng thêm.
Bình luận (0)