Quá trình tiêm phòng tại Mỹ bắt đầu từ ngày 14-12, ưu tiên cho các nhân viên y tế và người cao tuổi ở viện dưỡng lão. Các quan chức liên bang cho biết lô vắc-xin khoảng 3 triệu liều của 2 hãng dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) có cảm biến định vị được chuyển đến 145 trung tâm phân phối hôm 14-12, đến 425 địa điểm khác trong ngày 15-12 và tới 66 điểm đến còn lại vào ngày 16-12.
Theo hãng tin AP, các liều vắc-xin được phân bổ dựa trên dân số trưởng thành ở mỗi bang, sau đó các bang sẽ quyết định điểm đến kế tiếp của lô hàng vắc-xin nhận được. Lô vắc-xin đầu tiên nhanh chóng được phân phối ngay sau khi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép sử dụng khẩn cấp trong bối cảnh Mỹ ghi nhận hơn 16 triệu ca mắc và hơn 300.000 ca tử vong.
Quá trình phân phối vắc-xin của Pfizer-BioNTech được xem là nỗ lực tiêm phòng lớn nhất lịch sử Mỹ. Trước đó, Tổng thống Donald Trump hôm 13-12 thông báo sẽ tạm hoãn kế hoạch cho nhân viên cấp cao của Nhà Trắng tiêm vắc-xin ngừa dịch Covid-19 trong vài ngày tới. Theo tờ The New York Times, Nhà Trắng ban đầu có kế hoạch nhanh chóng tiêm vắc-xin cho nhân viên trong 10 ngày tới nhưng kế hoạch này vấp phải phản ứng trái chiều.
Các thùng chứa vắc-xin của Pfizer-BioNTech được chuẩn bị chuyển đi tại nhà máy sản xuất ở TP Portage, bang Michigan - Mỹ hôm 13-12 Ảnh: REUTERS
Tại Canada, Thủ tướng Justin Trudeau cho biết lô vắc-xin ngừa dịch Covid-19 đầu tiên do Pfizer-BioNTech phát triển đã tới nước này để chuẩn bị cho chương trình tiêm phòng sớm nhất vào ngày 14-12. Canada và Mỹ trở thành những quốc gia phương Tây đầu tiên nối gót Anh tiêm vắc-xin cho người dân. 30.000 liều vắc-xin đầu tiên sẽ được chuyển đến 14 địa điểm trên khắp Canada giữa lúc nước này ghi nhận khoảng 460.743 ca mắc và 13.431 trường hợp tử vong do dịch Covid-19. Theo hãng tin Reuters, Canada cũng dự kiến phê duyệt cấp phép sử dụng vắc-xin từ hãng dược Moderna (Mỹ) và sẵn sàng nhận lô hàng vào cuối tuần này.
Trong khi đó, dịch bệnh đang có dấu hiệu tăng trở lại ở một số quốc gia. Chính quyền Hàn Quốc đã yêu cầu các trường học ở thủ đô Seoul và khu vực lân cận tạm đóng cửa từ ngày 15-12 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tái bùng phát nghiêm trọng. Các trường học sẽ chuyển sang hình thức dạy trực tuyến đến cuối tháng này khi các biện pháp giãn cách xã hội đến nay vẫn không thể giúp ngăn sự gia tăng số ca mắc mới. Việc đóng cửa trường học là bước đi hướng tới áp đặt các quy định giãn cách xã hội giai đoạn 3, động thái đóng cửa nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á. Chính phủ Hàn Quốc cho biết sẽ cân nhắc thận trọng vấn đề này khi số ca mắc và tử vong tại nước này lần lượt là 43.484 và 587.
Theo hãng tin Reuters, rất ít quốc gia châu Á sẽ có được lượng vắc-xin ngừa dịch Covid-19 đáng kể trong những tuần tới khi một số nơi cần thời gian kiểm tra nguy cơ xảy ra tác dụng phụ hoặc đang tiến hành các cuộc thử nghiệm giai đoạn cuối. Thay vào đó, một số quốc gia tiếp tục trông cậy vào các biện pháp phòng dịch được triển khai nhiều tháng qua, gồm xét nghiệm, hạn chế đi lại, giãn cách xã hội và buộc đeo khẩu trang.
Các biện pháp phòng dịch cũng được siết chặt ở châu Âu. Tại Đức, Văn phòng Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết việc dỡ bỏ rộng rãi các biện pháp chống đại dịch Covid-19 ở Đức vào đầu năm tới là không khả thi. Lệnh phong tỏa sẽ có hiệu lực vào ngày 16-12-2020 đến 10-1-2021, yêu cầu đóng cửa các cửa hàng không thiết yếu và hạn chế người dân tụ tập, nhằm ngăn chặn số ca mắc mới đang gia tăng theo cấp số nhân. Đức hiện ghi nhận hơn 1,3 triệu ca mắc và hơn 22.000 ca tử vong do dịch Covid-19.
Ý cũng đang xem xét thực thi các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn trong dịp lễ Giáng sinh và năm mới do lo ngại về khả năng lây nhiễm tăng đột biến trong tháng 1-2021.
Bình luận (0)