Cuộc đua phát triển vắc-xin Covid-19 được bắt đầu gần như tức thì sau khi cấu trúc gien virus SARS-CoV-2 được công bố hồi tháng 1. Đến thời điểm hiện tại, đã có 2 công ty, gồm Pfizer và Moderna (đều của Mỹ), tuyên bố sản phẩm của họ an toàn và cho hiệu quả khoảng 95% trong việc ngăn chặn virus trên.
Đánh đổi kinh tế
Chính phủ Anh chính thức triển khai chương trình tiêm phòng đại trà vắc-xin Covid-19 của hãng dược Pfizer và đối tác BioNTech (Đức) cho người dân vào ngày 8-12 (giờ địa phương). Sản phẩm của Pfizer-BioNTech cũng đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp ở Canada, Ả Rập Saudi và Mỹ. Mặc dù nỗ lực phát triển và phê chuẩn vắc-xin đang diễn ra với tốc độ nhanh chưa từng thấy nhưng cuộc đua còn lâu mới kết thúc. Theo chuyên gia hậu cần Robin Townley của Công ty A.P. Moller-Maersk (Đan Mạch), thế giới đang bước vào một chặng đua mới với những thách thức không nhỏ bởi vắc-xin sẽ không thực sự thành công cho đến khi có đủ số người được tiêm chủng để ngăn chặn sự lây lan của virus.
Ông Jason Schwartz, nhà nghiên cứu chính sách tiêm chủng của Trường Y tế công Yale (Mỹ), nhấn mạnh tạo ra vắc-xin là một thành tựu khoa học phi thường, song những thách thức liên quan đến hậu cần và kỹ thuật trong cuộc đua đưa vắc-xin đến những địa điểm cần thiết cũng gian nan chẳng kém. Vắc-xin vốn là sản phẩm "mong manh", đòi hỏi điều kiện bảo quản nghiêm ngặt. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 50% vắc-xin được phân phối trên toàn thế giới bị hỏng, chủ yếu vì các vấn đề liên quan đến nhiệt độ bảo quản. "Vắc-xin sẽ mất tác dụng nếu chúng phải tiếp xúc với mức nhiệt nằm ngoài phạm vi nhiệt độ bảo quản chuẩn" - bà Michelle Seidel, một chuyên gia về chuỗi cung ứng vắc-xin của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), khẳng định với trang tin Vox.
Thế giới hiện không có sẵn số lượng đồ sộ xe tải, máy bay và tàu hỏa đủ khả năng vận chuyển những vắc-xin cần phải bảo quản ở mức nhiệt -70 độ C như loại của Pfizer-BioNTech. Trong khi đó, chuỗi vận chuyển lạnh cũng cần thiết để chở thực phẩm và dược phẩm, chẳng hạn như thịt xông khói, bơ và insulin. "Những hệ thống thông thường không được thiết lập để giải quyết nhanh chóng một thách thức khổng lồ như vậy" - ông Townley giải thích.
Do đó, sẽ cần phải có sự đánh đổi. Hoặc các nhà phân phối sẽ không thể vận chuyển một số mặt hàng đông lạnh khác hoặc họ sẽ phải chi mạnh tay để nâng cao năng lực vận chuyển lạnh. Nhu cầu vận chuyển lạnh chủ yếu đến từ mùa vụ, chẳng hạn như mùa bơ ở Nam Phi và Mexico. "Nếu phải vận chuyển vắc-xin ở Nam Phi giữa mùa bơ trong khi năng lực vận chuyển không thể kham cả hai, kinh tế Nam Phi sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?" - ông Townley đặt vấn đề.
Máy bay chở vắc-xin Covid-19 của Pfizer-BioNTech hạ cánh xuống sân bay Ben Gurion của Israel hôm 9-12Ảnh: REUTERS
Bài học từ ngành công nghiệp ôtô
Phân phối vắc-xin Covid-19 cho mọi người dân trên toàn thế giới là một nhiệm vụ khó khăn. Theo ước tính của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), nếu 7,8 tỉ người trên thế giới cần một liều vắc-xin/người thì cần đến 8.000 chiếc máy bay chở hàng Boeing 747 với tải trọng tối đa 110 tấn. Trong trường hợp mỗi người cần 2 liều thì khoảng 15 tỉ liều kể trên phải mất đến 2 năm mới vận chuyển xong. Theo ông Alexandre de Juniac, Giám đốc điều hành IATA, hiện có khoảng 2.000 máy bay chở hàng được sử dụng và số lượng thiếu hụt phải trông chờ vào 22.000 máy bay bình thường. Trong khi đó, Công ty DHL (Đức) cảnh báo gần 2/3 dân số thế giới sẽ không thể tiếp cận dễ dàng vắc-xin cần phải bảo quản ở nhiệt độ đông lạnh.
Một số vắc-xin được liệt vào nhóm "không ổn định". Nghĩa là chất lượng của chúng sẽ suy giảm trong mỗi lần dịch chuyển và cuối cùng, chúng có thể mất tác dụng. Một giải pháp dành cho vấn đề này là di dời các cơ sở sản xuất đến gần những người cần được tiêm chủng. Phương án này đã được thực hiện thành công trong ngành công nghiệp ôtô và nhiều ngành công nghiệp khác từng dịch chuyển nhà máy đến các nước có thị trường tiêu thụ lớn.
Đại dịch Covid-19 là một cuộc khủng hoảng toàn cầu, đòi hỏi cộng đồng quốc tế chung tay ứng phó. Thực tế, nhiều ứng viên vắc-xin tiềm năng đang được phát triển thông qua các cơ chế hợp tác quốc tế. Cũng cần bảo đảm rằng những người có nguy cơ lây nhiễm cao nhất sẽ được tiêm chủng và điều này không chỉ diễn ra ở những quốc gia giàu có. Đây cũng là một thách thức không nhỏ, bởi lợi ích quốc gia và thương mại đến từ cuộc đua vắc-xin là rất lớn và sẽ tiếp tục định hình chiến lược hành động của các nước, đặc biệt là trong lĩnh vực hậu cần.
Ông Gian Gandhi, hiện làm việc tại bộ phận cung ứng của UNICEF - một trong những nhà mua vắc-xin lớn nhất thế giới, mới đây cho biết UNICEF và WHO đã lắp đặt hơn 40.000 tủ lạnh để lưu trữ vắc-xin tại những quốc gia thu nhập thấp, chủ yếu đến từ châu Phi, trong những năm gần đây. UNICEF cũng đã mua hàng trăm triệu ống tiêm, sẵn sàng vận chuyển đến các quốc gia này ngay khi có vắc-xin Covid-19.
Chính phủ Mỹ ưu tiên vắc-xin cho người dân
Tổng thống Donald Trump hôm 8-12 ký sắc lệnh bảo đảm công dân Mỹ được ưu tiên tiếp cận những vắc-xin Covid-19 được chính phủ mua trước khi vắc-xin này được phân phối để hỗ trợ những nước khác. Theo Reuters, sắc lệnh này tuân thủ đúng cam kết "nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Trump.
Trong một tuyên bố cùng ngày, ông chủ Nhà Trắng khẳng định sẽ kích hoạt Đạo luật Sản xuất Quốc phòng (DPA) nếu cần thiết để bảo đảm công dân Mỹ là những người đầu tiên nhận được vắc-xin sản xuất trong nước. Trong khuôn khổ của DPA, được thông qua vào năm 1950, tổng thống Mỹ có quyền yêu cầu mở rộng sản xuất công nghiệp đối với những vật liệu hoặc sản phẩm then chốt vì an ninh quốc gia và những lý do khác.
Bình luận (0)