Dù là ở thành thị hay nông thôn, gia đình chú rể ở Afghanistan thường phải chịu mọi chi phí của đám cưới, bao gồm của hồi môn, lễ đính hôn, tiệc trước đám cưới, tiệc cưới, tiệc hậu đám cưới cũng như vài ba bữa tiệc nhỏ khác.
Khốn đốn vì của hồi môn
Điều đáng nói là chi phí đám cưới đã trở thành một trong những mầm mống gây xung đột giữa 2 họ nói riêng và tranh cãi xã hội nói chung. Theo cuộc khảo sát mới đây của Tổ chức Phát triển Sanayee (SDO), chi phí bình quân cho mỗi đám cưới ở 2 tỉnh Herat và Balkh dao động từ 10.000-33.000 USD.
Với mức thu nhập ít ỏi của người dân địa phương thì đây là số tiền khổng lồ. Nhiều người phải liều vay mượn ngân hàng, người thân, bạn bè để lấy vợ bất chấp chuyện nhiều năm “cày bừa” trả nợ sau đó. Thậm chí, có người phải ra nước ngoài làm thuê kiếm tiền trả nợ ngay sau đám cưới.
Tiệc cưới tại Afghanistan có cả ngàn khách không phải chuyện hiếm
Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Nhiều người Afghanistan quan niệm đám cưới càng hoành tráng thì cô dâu càng “cao giá”. Bởi vậy mới xuất hiện những bi kịch do nhà gái đòi của hồi môn quá nhiều. Tại tỉnh Herat, theo SDO, một cô gái (không nêu tên) và một chàng trai tên Shafiq đính hôn được 6 tháng thì gặp chuyện.
Số là nhà gái đòi hồi môn trị giá 16.000 USD trong khi gia đình Shafiq chỉ có thể “trả” trước một phần. Chàng trai phải đến Iran làm công nhân để kiếm số tiền còn lại. Sau 8 tháng làm việc cật lực, Shafiq về quê nhà với giấc mơ cưới vợ nhưng nhà gái… đòi thêm 20.000 USD. Cắn răng quay lại Iran một lần nữa, Shafiq không may gặp tai nạn lao động qua đời.
Khách không mời
Chi phí đám cưới ở Afghanistan cao một phần do quy mô “khủng” của tiệc cưới. Ở Afghanistan, tiệc cưới có tới cả ngàn thực khách lại chẳng hiếm. Theo phong tục, đám cưới thể hiện lòng hiếu khách nên rất dễ bắt gặp những vị khách không mời thản nhiên hòa vào dòng người đi đến các tiệc cưới ở thủ đô Kabul khiến nhà trai trở tay không kịp. Đến nỗi “mỗi đêm một tiệc cưới, không cần phải lo đói” đã trở thành câu nói cửa miệng của nhiều thanh niên ăn chực tại Kabul.
Báo The New York Times vừa kể về tình huống dở khóc dở cười của chú rể Shafiqullah, một nhân viên bán xe hơi 31 tuổi ở Kabul. Trước đám cưới 6 tháng, anh Shafiqullah cân nhắc kỹ lưỡng mới chốt được danh sách “chỉ” 700 khách mời. Vậy mà tiệc cưới của anh có tới… 1.300 người.
Diễn biến ngoài dự tính buộc anh Shafiqullah yêu cầu nhà hàng tăng gấp đôi phần thức ăn đã đặt khiến chi phí đám cưới đội lên gần 30.000 USD - số tiền tương đương một gia tài ở Afghanistan. Anh Shafiqullah giải thích việc không mời họ ăn sẽ bị xem là một điều sỉ nhục và làm ngày cưới của anh mất vui.
Quốc hội can thiệp
Quốc hội Afghanistan vừa thông qua dự luật giới hạn khách mời tiệc cưới ở mức 500 người tại các nhà hàng ở Kabul trong sự ủng hộ nhiệt thành của nam thanh niên địa phương. Ngược lại, những người bảo vệ quyền phụ nữ, các chủ nhà hàng tiệc cưới và nghiệp đoàn nhân viên khách sạn phản đối kịch liệt. Các chủ nhà hàng lập luận việc hạn chế khách mời không chỉ bôi xấu truyền thống địa phương mà còn làm tê liệt ngành kinh doanh tiệc cưới khiến hàng ngàn nhân viên có nguy cơ mất việc.
Bình luận (0)