Thông cáo báo chí của Ủy ban Nobel Na Uy cho biết theo sau cuộc Cách mạng Hoa nhài năm 2011, Bộ tứ Đối thoại quốc gia Tunisia được thành lập vào mùa hè năm 2013. Vào thời điểm đó, tiến trình dân chủ hóa đang có nguy cơ sụp đổ do các vụ ám sát chính trị và bất ổn lan rộng trong xã hội.
Bộ tứ này gồm 4 tổ chức quan trọng trong xã hội dân sự Tunisia: Tổng liên đoàn lao động Tunisia (UGTT), Liên đoàn công nghiệp Tunisia (UTICA), Liên đoàn nhân quyền Tunisia (LTDH) và Hiệp hội luật sư Tunisia.
Với vai trò của mình, 4 tổ chức nói trên đã đóng vai trò là lực lượng trung gian hòa giải và thúc đẩy tiến trình dân chủ hòa bình ở Tunisia.
Theo Ủy ban Nobel Na Uy, giải thưởng trên nhằm khích lệ người dân Tunisia, những người đã vượt qua những thách thức lớn để đặt nền tảng cho sự hòa giải dân tộc.
Trong bối cảnh nhiều nước đang lâm vào cảnh hỗn loạn, như Syria, Yemen...,cùng với tác động của cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu, ủy ban này đã chọn tôn vinh một đất nước chấp nhận đi con đường khác, từ đó hy vọng đây sẽ là tấm gương để những nước khác noi theo.
Ông Houcine Abassi, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Tunisia, phát biểu tại Hội nghị Đối thoại Quốc gia hồi tháng 10-2013. Ảnh: Reuters
Có tổng cộng 205 cá nhân và 68 tổ chức được đề cử cho giải Nobel Hòa bình năm nay.
Trong số những ứng viên được xem là sáng giá nhất có Giáo hoàng Francis, nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR), Chiến dịch quốc tế bãi bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN)...
Bình luận (0)