Ba nhà khoa học Tomas Lindahl, Paul Modrich và Aziz Sancar hôm 7-10 đã được trao giải Nobel Hóa học vì những công trình nghiên cứu của họ về cơ chế sửa chữa ADN.
Theo Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, 3 nhà khoa học này đã lập được bản đồ ở cấp độ phân tử và giải thích cách thức tế bào sửa chữa những ADN bị tổn hại cũng như bảo vệ thông tin di truyền. Những công trình của họ đã cung cấp kiến thức cơ bản về hoạt động của tế bào sống, từ đó giúp ích cho nỗ lực phát triển những phương pháp điều trị ung thư mới.
Theo báo The New York Times, TS Lindahl (người Thụy Điển) được vinh danh vì khám phá ra một cơ chế sửa chữa ADN của tế bào trong chu kỳ tế bào. Trong khi đó, TS Modrich (người Mỹ) có công phát hiện ra cách thức tế bào sửa chữa lỗi xảy ra khi ADN được sao chép trong quá trình phân bào. Còn thành tựu của TS Sancar (mang 2 quốc tịch Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ) là lập được bản đồ về cơ chế được tế bào sử dụng để sửa chữa những tổn hại do tia cực tím gây ra đối với ADN.
“Những công trình của họ đã có đóng góp quyết định đối với sự hiểu biết về cách thức tế bào sống thực hiện những chức năng của mình, đồng thời cung cấp kiến thức về những nguyên nhân gây ra một số chứng bệnh di truyền ở cấp độ phân tử và về những cơ chế đằng sau quá trình phát triển ung thư, tình trạng lão hóa” - tuyên bố của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển nêu rõ.
Trả lời phỏng vấn giới truyền thông sau khi hay tin được trao giải Nobel, ông Lindahl cho biết cơ chế sửa chữa ADN bị tổn hại đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe con người và những công trình nghiên cứu về nó giúp ích cho nỗ lực tìm kiếm những phương thức trị bệnh tốt hơn, nhất là ung thư.
“Không may là những cá nhân nào có cơ chế này bị lỗi sẽ chết sớm hoặc có những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Mặt khác, nếu chúng ta điều trị ung thư bằng loại thuốc khiến tế bào ung thư chết nhưng loại tế bào này lại có khả năng sửa chữa thì quả là điều không hay” - ông Lindahl nói.
Vì thế, ông Sancar, nhà khoa học Thổ Nhĩ Kỳ đầu tiên đoạt giải Nobel, cho việc tế bào ung thư có sửa chữa được ADN bị tổn hại hay không có thể ảnh hưởng đến phương thức điều trị ung thư. Giáo sư Claes Gustafsson, thành viên Hội đồng Nobel, cho biết ngành công nghiệp dược phẩm đang tìm cách bào chế những loại thuốc dựa trên khái niệm tế bào ung thư sẽ bị tiêu diệt bằng cách ngăn chặn khả năng sửa chữa của nó.
Ông Lindahl, 77 tuổi, hiện làm việc tại Viện Francis Crick (Anh) đồng thời là giám đốc danh dự của Tổ chức Nghiên cứu ung thư Anh thuộc Phòng Thí nghiệm Clare Hall. Trong khi đó, ông Modrich, 69 tuổi, đang là giáo sư sinh hóa học tại Trường Y khoa Đại học Duke và Viện Y khoa Howard Hughes ở Mỹ. Ông Sancar, 69 tuổi, hiện là giáo sư sinh hóa học và lý sinh học tại Trường Y khoa Đại học Bắc Carolina (Mỹ). Ba nhà khoa học này chia nhau giải thưởng trị giá 8 triệu krona Thụy Điển (gần 970.000 USD).
Bình luận (0)