Ủy ban Nobel Na Uy hôm 11-10 tuyên bố trao giải Nobel Hòa bình năm 2019 cho Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed vì những nỗ lực nhằm đạt được hòa bình, hợp tác quốc tế và cho sáng kiến mang tính quyết định giúp giải quyết cuộc xung đột kéo dài 20 năm với Eritrea. Phát ngôn viên Ủy ban Nobel Na Uy cho hay giải thưởng cũng công nhận các bên liên quan nỗ lực vì hòa bình và hòa giải ở Ethiopia và khu vực Đông Bắc Phi.
Phát biểu trong cuộc họp báo công bố kết quả, bà Berit Reiss-Andersen, Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy, thông tin: "Với vai trò là thủ tướng, ông Abiy Ahmed đã tìm cách thúc đẩy hòa giải, đoàn kết và công bằng xã hội". Bà Berit Reiss-Andersen nói thêm tuy vẫn còn nhiều thách thức chưa được giải quyết nhưng những nỗ lực của ông Abiy Ahmed xứng đáng được công nhận và cần được khuyến khích. Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy hy vọng giải thưởng có thể ủng hộ ông Abiy Ahmed trong sứ mệnh quan trọng của mình.
Thủ tướng Abiy Ahmed của Ethiopia trong một cuộc họp báo tại văn phòng Ảnh: REUTERS
Sau khi kết quả được công bố, Văn phòng Thủ tướng Ethiopia đã bày tỏ niềm tự hào: "Sự công nhận này là thắng lợi cho người dân Ethiopia và là lời kêu gọi củng cố quyết tâm của chúng ta trong việc biến Ethiopia - Chân trời Hy vọng mới - trở thành quốc gia thịnh vượng cho tất cả".
Theo đài BBC, người giành giải Nobel Hòa bình thứ 100 dự kiến nhận giải cùng tiền thưởng trị giá 900.000 USD tại thủ đô Oslo - Na Uy vào tháng 12. Theo Viện Nobel, giải Nobel Hòa bình 2019 có 301 ứng viên, gồm 223 cá nhân và 78 tổ chức. Trước đó, một số ứng viên được đánh giá cao bên cạnh Thủ tướng Ethiopia còn có nhà vận động vì môi trường người Thụy Điển Greta Thunberg, nhà lãnh đạo và hoạt động môi trường bản địa Brazil Raoni Metuktire, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern…
Theo đài CNN, ông Abiy Ahmed là người châu Phi thứ 24 giành giải Nobel. Hồi năm ngoái, bác sĩ người Congo Denis Mukwege đã giành giải Nobel Hòa bình vì những nỗ lực chấm dứt sử dụng bạo lực tình dục làm vũ khí chiến tranh.
Sau khi trở thành thủ tướng vào tháng 4-2018, "thủ tướng kiến tạo hòa bình" này đã có những cải cách đáng kể ở đất nước 100 triệu dân. Ông Abiy Ahmed đã dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp của đất nước, ra lệnh thả hàng ngàn tù nhân, cho phép những người bất đồng quan điểm quay về nhà. Đáng chú ý, Thủ tướng Abiy Ahmed đã ký kết "Tuyên bố chung về hòa bình và hữu nghị" với Eritrea hồi năm 2018. Thủ tướng 43 tuổi gần đây cũng giành được sự ngợi khen vì đóng vai trò trung gian trong thỏa thuận chia sẻ quyền lãnh đạo ở nước láng giềng Sudan sau một cuộc khủng hoảng chính trị dẫn đến việc bắt giữ Omar al-Bashir, người đã lãnh đạo nước này trong suốt 3 thập kỷ.
Ông Awol Allo, phó giáo sư luật người Ethiopia tại Trường ĐH Keele ở Anh, cho rằng những gì Thủ tướng Abiy Ahmed đã làm chứng minh ông ấy là một người xem trọng hòa bình và ổn định ở vùng Sừng châu Phi. Trong khi đó, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg nhận định ông Abiy Ahmed đã chứng minh được sự kiên trì, lòng can đảm và niềm tin có thể kiến tạo hòa bình. Nhiều nhà lãnh đạo khác trên thế giới cũng nhanh chóng gửi lời chúc mừng, như Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, Chủ tịch Nghị viện châu Âu David Sassoli, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi Moussa Faki…
Bình luận (0)