Tại buổi họp báo công bố giải thưởng hôm 4-10 ở thủ đô Stockholm - Thụy Điển, Ủy ban Nobel khẳng định công trình này đã “mở ra cánh cửa đến thế giới chưa từng được biết tới”. Theo đó, khi vật chất ở trạng thái cực kỳ lạnh hoặc mỏng, các nhà khoa học bắt đầu nhìn thấy hành vi khác thường của các nguyên tử.
Hiện tượng này bổ sung cho những trạng thái quen thuộc hơn của vật chất khi biến đổi từ rắn sang lỏng rồi sang khí. Những phát hiện của 3 nhà nghiên cứu đều đang làm việc tại Mỹ này đã giúp các giới khoa học định hình những vật chất mới.
Hình ảnh của 3 nhà khoa học đoạt giải Nobel Vật lý 2016 trên màn hình tại cuộc họp báo công bố giải thưởng Ảnh: REUTERS
Được kết nối qua điện thoại với cuộc họp báo công bố giải thưởng, ông Haldane - giáo sư vật lý tại Trường ĐH Princeton (Mỹ) - nói: “Tôi rất bất ngờ và hài lòng. Công trình nghiên cứu này đã được thực hiện từ lâu nhưng tới giờ mới có nhiều phát hiện mới đóng vai trò quan trọng được đưa ra và tiếp tục mở rộng”.
Cả ba nhà khoa học đều sử dụng toán học để giải thích các tác động vật lý lạ thường ở những trạng thái hiếm thấy của vật chất, như siêu dẫn, siêu lỏng và màng mỏng từ. Hai nhà khoa học Kosterlitz - của Trường ĐH Brown (Mỹ) - và Thouless - giáo sư danh dự của Trường ĐH Washington (Mỹ) - tập trung vào hiện tượng phát sinh trong các hình thái mỏng của vật chất - trên bề mặt hoặc bên trong các lớp cực mỏng có thể được xem như vật chất 2 chiều. Nó trái ngược với vật chất 3 chiều (dài, rộng và cao) mà chúng ta thường dùng để mô tả thực tại. Trong khi đó, giáo sư Haldane nghiên cứu vật chất hình thành các sợi mảnh tới mức có thể coi chúng là vật chất một chiều.
Theo tờ The Guardian (Anh), giải thưởng trị giá 8 triệu kronor Thụy Điển (khoảng 930.000 USD) sẽ được chia đôi, một nửa dành cho ông Thouless, trong khi 2 ông Kosterlitz và Haldane chia đều nửa còn lại. Ủy ban Nobel cho biết ông Thouless xứng đáng được phần hơn vì những đóng góp mang tính quyết định. Nhà khoa học sinh năm 1934 này chuyên nghiên cứu về vật lý các chất ngưng tụ. Ông cũng từng nhận giải Wolf của Israel vốn được xem là giải thưởng danh giá chỉ xếp sau Nobel.
Theo giáo sư Chris Phillips tại Trường ĐH Imperial (Anh), lựa chọn của Ủy ban Nobel năm nay là một “giải thưởng của khoa học thực sự”. Trước khi giải thưởng được chính thức công bố, nhiều chuyên gia đều cho rằng sẽ rất bất ngờ nếu giải Nobel Vật lý năm nay không thuộc về các nhà khoa học Ronald Drever, Kip Thorne và Rainer Weiss - bộ ba “thần thánh” đã gần như ôm trọn các giải thưởng vật lý lớn kể từ khi thông báo phát hiện các sóng hấp dẫn và sự tồn tại của vật chất tối trong vũ trụ, từ tháng 2-2016.
Bình luận (0)