Với 328 phiếu chống và 301 phiếu thuận, chính quyền Thủ tướng Boris Johnson đã thất bại trước các đảng đối lập và 21 nhà lập pháp của Đảng Bảo thủ cầm quyền. Theo Reuters, kết quả này cho phép các nhà lập pháp giành quyền kiểm soát các vấn đề tại quốc hội. Sau cuộc bỏ phiếu nói trên, các nhà lập pháp đã thúc đẩy dự luật buộc ông Johnson phải yêu cầu EU tiếp tục hoãn hạn chót Brexit đến ngày 31-1-2020 để tránh kịch bản Brexit không thỏa thuận.
Trong một tuyên bố cùng ngày, người phát ngôn Văn phòng Thủ tướng Johnson tuyên bố toàn bộ 21 nhà lập pháp "nổi loạn", trong đó có 2 cựu Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond và Kenneth Clarke, sẽ bị khai trừ khỏi đảng này. Trong khi đó, Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố sẽ tìm kiếm một cuộc tổng tuyển cử sớm vào ngày 14-10 để ngăn chặn "một đợt trì hoãn Brexit vô nghĩa khác".
Thủ tướng Boris Johnson phát biểu tại Hạ viện Anh hôm 3-9 Ảnh: REUTERS
Theo đài CNBC, hiện vẫn chưa thể biết chắc điều gì sẽ xảy ra tiếp theo và "tổng tuyển cử sớm" chỉ là một trong rất nhiều kịch bản đang chờ đợi chính trường Anh. Cũng cần lưu ý rằng để thực hiện tuyên bố trên, Thủ tướng Boris Johnson trước tiên cần phải được ít nhất 2/3 nghị sĩ quốc hội chấp thuận. Ở chiều hướng ngược lại, phe đối lập cũng có thể thực hiện một số động thái chống lại chính quyền ông Johnson, như bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Anh rời EU mà không đạt được thỏa thuận bị xem là kịch bản Brexit gây hỗn loạn nhất vì nó đồng nghĩa với việc 2 phía "ly hôn" chớp nhoáng mà không trải qua giai đoạn chuyển tiếp. Để chuẩn bị cho kịch bản này, các nhà lập pháp EU trong suốt 1 năm qua đã chuẩn bị các quy định khẩn cấp nhằm tối thiểu hóa những hỗn loạn có thể xảy ra đối với 27 thành viên còn lại. Theo báo The Washington Post, giới chức EU đang cân nhắc liệu có nên sử dụng các quỹ khẩn cấp thường chỉ dành cho những quốc gia bị thiên tai hoành hành hay không. Riêng Pháp, Bỉ và Hà Lan đã thuê thêm hàng trăm nhân viên hải quan để kiểm tra hàng hóa chuyển từ các nước này đến Anh và ngược lại.
Bình luận (0)