Theo The Guardian, trong cuộc đối thoại đầu tiên ở Moscow, diễn ra ngày 26-4 với Bộ trưởng Sergei Lavrov, ông António Guterres khẳng định Liên Hiệp Quốc đã sẵn sàng huy động các nguồn lực để sơ tán dân thường khỏi Mariupol và nói thêm rằng ông đã đến với tư cách một sứ giả hòa bình.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Guterres tới Moscow từ khi xung đột Nga - Ukraine xảy ra. Trước đó, ông đã bị chỉ trích vì chưa thể hiện hết vai trò của mình và làm suy yếu quyền lực của Liên Hiệp Quốc (LHQ).
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc nói thêm: "Có một sự thật hiển nhiên, không lý lẽ nào thay đổi được. Chúng ta không có quân đội Ukraine trên lãnh thổ Liên bang Nga, nhưng chúng ta có quân đội Nga ở Ukraine". Bộ trưởng Lavrov nói điều đó là đúng.
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres và Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov - Ảnh: REUTERS
Theo NBC News, ông Guterres nhấn mạnh sự cần thiết của các hành lang nhân đạo ngay lập tức để đưa dân thường ra khỏi các thành phố bị bao vây như cảng Mariupol, cung ứng thực phẩm, thuốc men và các hàng hóa cơ bản khác.
Sau cuộc hội đàm, ông nói với các phóng viên rằng "rõ ràng là có hai lập trường khác nhau về những gì đang xảy ra ở Ukraine" cho thấy ít hy vọng về một bước lùi nào cho cuộc xung đột.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đã hội đàm cùng Tổng thống Putin ngay sau đó, bày tỏ lo ngại trước các báo cáo về tội ác chiến tranh và yêu cầu một cuộc điều tra độc lập, nhưng không phải bởi Liên Hiệp Quốc.
Nội dung hội đàm "nóng" giữa Tổng thư ký LHQ và Tổng thống Putin
Theo đài RT, trong cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã tranh luận về lý do khởi điểm của xung đột. Tổng thống Putin so sánh Donetsk và Lugansk, mà Nga cho là "hai nước cộng hòa ly khai" với Kosovo (lãnh thổ tranh chấp ở Serbia).
Nhưng ông Guterres cho hay Liên Hiệp Quốc chưa từng công nhận Kosovo là một thực thể độc lập. Ông chủ điện Kremlin không đồng ý và viện dẫn các quyết định của Tòa án Công lý quốc tế, cũng như cho rằng Kosovo đã được sự công nhận rộng rãi của phương Tây.
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres hội đàm cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) - Ảnh: REUTERS
Ngoài thảo luận về luật pháp quốc tế và cơ sở pháp lý cho hoạt động quân sự của Nga, vấn đề nóng khác mà hai nhà lãnh đạo bàn đến là tình hình nhân đạo ở Ukraine.
Người đứng đầu Liên Hiệp Quốc cho biết tổ chức này và Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) đã sẵn sàng hỗ trợ sơ tán dân thường bị mắc kẹt cùng các chiến binh Ukraine tại nhà máy thép Azovstal bị bao vây ở Mariupol, cùng các hành lang nhân đạo mà Nga đã tuyên bố nhưng chưa từng được sử dụng.
Tổng thống Putin nói rằng dân thường bị mắc kẹt là do các binh lính Ukraine và cho rằng hơn 100.000 người đã rời khỏi Mariupol từ các hành lang nhân đạo này. "Và họ có thể đi bất cứ đâu, một số muốn đến Nga, một số đến Ukraine. Bất cứ nơi nào - chúng tôi không giữ họ, chúng tôi cung cấp bất kỳ hình thức giúp đỡ và hỗ trợ nào" - RT dẫn lời Tổng thống Putin.
Dự kiến Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc sẽ đến Kiev và hội đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào ngày 28-4, cũng với mục tiêu chính là hòa giải và tìm phương án hỗ trợ nhân đạo, sơ tán dân thường bị mắc kẹt ở các vùng chiến sự.
Bình luận (0)