Cơ quan Cảnh sát Quốc tế Hàn Quốc hôm 12-6 cho biết có 9.869 người già mắc chứng sa sút trí tuệ đi lạc trong năm 2016. Hay nói cách khác, mỗi ngày tại Hàn Quốc có 27 trường hợp đi lạc. Đáng lo ngại hơn, không ít trường hợp đã qua đời khi được tìm thấy hay thậm chí là không được tìm thấy.
Trong những năm gần đây, số người già Hàn Quốc đi lạc gia tăng với tốc độ đáng báo động. Từ 7.650 người vào năm 2012, con số này đã tăng 30% chỉ trong vòng 5 năm. Tuần trước, một cụ bà 84 tuổi mắc chứng sa sút trí tuệ được tìm thấy qua đời gần một thác nước cách căn hộ của bà 500 m ở TP Cheongju, tỉnh Chungcheong Bắc.
Gần 50% người già Hàn Quốc phải chật vật mưu sinh từng ngày. Ảnh: Channel News Asia.
Một cảnh sát cho biết những bệnh nhân mắc chứng sa sút trí tuệ thường được tìm thấy ở những địa điểm ít ai ngờ nhất. "Một số người trông có vẻ ổn nhưng khi các triệu chứng bắt đầu, họ đi lạc lúc nào không hay" – người này cho biết.
Chứng sa sút trí tuệ làm giảm trí nhớ và mất dần nhận thức ở người già là một vấn đề đáng lo ngại ở Hàn Quốc. Viện Quốc gia Sa sút trí tuệ Hàn Quốc cho biết trong năm 2015 có 650.000 người mắc chứng này và con số này sẽ tăng lên 2,71 triệu người đến năm 2050.
Thêm một vấn đề đáng quan ngại trong bổi cảnh dân số Hàn Quốc già hóa nhanh là người già sống trong cảnh nghèo khó, cô quạnh.
Theo kênh Channel News Asia, gần 50% số người từ 65 tuổi trở lên tại Hàn Quốc đang phải chật vật mưu sinh từng ngày "cho tới chết".
Chẳng hạn như một bà cụ họ Kim, 81 tuổi, mỗi ngày đều phải thu gom rác thải trên đường phố, ngay cả khi thời tiết xuống 0 độ C. Thông thường, bà Kim đi bộ qua các tuyến đường, thu gom hơn 100 kg rác và bán lại cho các cơ sở tái chế với giá 10.000 won (gần 9 USD).
"Tôi làm việc cật lực để có tiền mua thuốc men và thức ăn. Trong trường hợp quá đói, tôi sẽ uống thật nhiều nước và ăn thức ăn giá rẻ rồi tiếp tục làm việc" – bà Kim chia sẻ.
Không ít người cao tuổi Hàn Quốc phải bán dâm để kiếm tiền mưu sinh. Ảnh: New York Post
Vì nghèo khó, không ít phụ nữ cao tuổi Hàn Quốc sẵn sàng bán dâm để kiếm tiền sinh sống. Bà Park, 78 tuổi, chia sẻ bà bắt đầu công việc không mong muốn này tại Seoul vào những năm 1970 khi bà bị chẩn đoán viêm khớp nặng. Bà Park cho biết để có tiền mua thuốc và thức ăn bà "phải nhắm mắt và làm quen với công việc này".
Bình luận (0)