Một bước đi như thế, nếu có, không chỉ đưa lực lượng Trung Quốc đến gần Úc và New Zealand mà còn đến gần cả đảo Guam, nơi đặt căn cứ quân sự lớn của Mỹ.
Chính quyền Quần đảo Solomon cho biết dự thảo thỏa thuận với Trung Quốc sẽ được hoàn thiện và sớm được ký kết. Theo hãng tin AP hôm 7-4, cả hai nước này đều phủ nhận thông tin cho rằng hiệp ước mới sẽ dẫn đến việc thiết lập một căn cứ quân sự Trung Quốc ở Quần đảo Solomon.
Tuy nhiên, Úc, New Zealand và Mỹ đều bày tỏ lo ngại trước diễn biến trên. Hai quan chức tình báo hàng đầu Úc đã đến Quần đảo Solomon để thảo luận về vấn đề này. Tổng thống Liên bang Micronesia David Panuelo đã gửi thư thúc giục Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare suy nghĩ lại về thỏa thuận với Trung Quốc.
Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare (thứ 2 từ phải sang) tiếp các quan chức tình báo Úc hôm 6-4. Ảnh: Chính phủ Quần đảo Solomon
Theo đài ABC News, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Peter Dutton cảnh báo nguy cơ đang gia tăng về một cuộc xung đột vũ trang tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ Samuel J Paparo đã lên tiếng ủng hộ ý kiến này.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hồi tháng 2 cho biết Washington sẽ mở lại đại sứ quán ở thủ đô Honiara để gia tăng ảnh hưởng ở Quần đảo Solomon trước khi Trung Quốc làm thế. Trước những phản ứng trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định những đồn đoán về khả năng lập căn cứ quân sự là "vô căn cứ".
Ông Euan Graham, thành viên cấp cao tại Viện Quốc tế nghiên cứu chiến lược (Anh), cho rằng Trung Quốc đã theo đuổi việc xây dựng cơ sở cảng chiến lược trong 5 năm trở lại đây nhằm mở rộng hiện diện hải quân ở Nam Thái Bình Dương. Theo ông Graham, Trung Quốc đã tỏ ra thành công khi vượt qua Mỹ và Úc trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng, không phải một cuộc cạnh tranh quân sự, ở Nam Thái Bình Dương.
Trong khi đó, bà Elizabeth Wishnick, chuyên gia tại Trường ĐH Montclair State (Mỹ), cho rằng Bắc Kinh đã nắm bắt cơ hội để mở rộng ảnh hưởng vào thời điểm Mỹ và các nước khác không có nhiều hoạt động liên quan đến kinh tế tại khu vực này. Trong khi đó, ông Jonathan Pryke, chuyên gia của Viện Lowy (Úc), cho rằng một số nước đã phản ứng thái quá vì Bắc Kinh còn phải thực hiện nhiều bước đi nữa nếu muốn hiện thực hóa chuyện lập căn cứ quân sự.
Bình luận (0)