xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nỗi lo dân thường mắc kẹt ở Marawi

LỤC SAN

Phiến quân thiết lập các trạm kiểm soát tại những khu vực còn kiểm soát ở TP Marawi để ngăn chặn người dân chạy trốn

Quân đội Philippines hôm 29-5 cho biết đã nắm quyền kiểm soát hầu hết TP Marawi trên đảo Mindanao sau 7 ngày giao tranh với các phần tử nổi dậy của nhóm Maute có liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Gần 100 người chết

Phát ngôn viên quân đội Philippines, thiếu tướng Restituto Padilla, khẳng định binh sĩ nước này đã giành lại quyền kiểm soát Marawi ngoại trừ một số khu vực nhất định vẫn còn bị phiến quân chiếm giữ. Bất chấp tuyên bố này, đụng độ vẫn diễn ra dữ dội ở khu vực phía Nam thành phố, nơi trực thăng quân đội phóng rốc-két xuống các mục tiêu dưới mặt đất. 

Trong cuộc khủng hoảng được xem là tồi tệ nhất tại khu vực Mindanao trong vòng gần 4 năm qua, gần 100 người (19 thường dân, 18 binh sĩ và 61 phần tử quá khích) đã thiệt mạng cho đến giờ trong lúc 60.000 người phải rời bỏ nhà cửa - theo phát ngôn viên của tổng thống Philippines, ông Ernesto Abella. Ngoài ra, theo trang tin Bloomberg, gần 400 cư dân đã được cứu thoát khỏi thành phố có 200.000 dân này (trước khi khủng hoảng nổ ra).

Chiến sự tại Marawi trong 1 tuần qua là thách thức lớn nhất về an ninh mà Tổng thống Rodrigo Duterte đối mặt sau 11 tháng nhậm chức, buộc ông phải áp đặt thiết quân luật trên đảo Mindanao trong 60 ngày. Hôm 27-5, ông Duterte cảnh báo thiết quân luật sẽ được duy trì cho đến khi nào tình hình yên ổn và Tòa án Tối cao, Quốc hội không nên can thiệp vào chuyện này. 

Giao tranh nổ ra sau khi lực lượng an ninh Philippines tiến hành đột kích để truy bắt Isnilon Hapilon, thủ lĩnh nhóm Abu Sayyaf đã tuyên thệ trung thành với IS, được cho là đang ẩn náu ở TP Marawi. Quân đội Philippines tin rằng nhóm Maute thực hiện cuộc tấn công trước thềm tháng lễ Ramadan để thu hút sự chú ý của IS và được tổ chức khủng bố này công nhận là chi nhánh ở Đông Nam Á. Các nhân chứng ở Marawi kể họ đã chứng kiến cảnh phiến quân mặc quần áo và đeo dải băng trên đầu màu đen, phong cách đặc trưng của IS và treo cờ của nhóm này trong thành phố.


Nỗi lo dân thường mắc kẹt ở Marawi - Ảnh 1.

Một người dân được giúp đỡ trong lúc sơ tán khỏi TP Marawi hôm 28-5Ảnh: Reuters

Tình cảnh ngặt nghèo

Trong bối cảnh lực lượng an ninh Philippines mạnh tay truy quét các phần tử nổi dậy, dư luận e ngại cho số phận của khoảng 2.000 người còn mắc kẹt giữa 2 làn đạn. Theo trang tin Asian Correspondent, quân đội Philippines cho biết phiến quân Maute vẫn cầm cự ở 9/96 khu vực ở Marawi. Chúng thiết lập các trạm kiểm soát trên các tuyến đường để ngăn chặn người dân chạy trốn. Tình cảnh của cư dân hết sức ngặt nghèo: Không có lương thực, nơm nớp lo sợ bị trúng đạn, nhất là sau khi quân đội thông báo sẽ tăng cường ném bom vào các khu vực phiến quân chiếm đóng.

Nỗi lo trên càng gia tăng sau khi thi thể của 8 cư dân được phát hiện trên một cây cầu ở ngoại ô Marawi sáng 28-5. Hầu hết các nạn nhân đều bị bắn vào đầu và một số bị trói tay - dấu hiệu chứng tỏ họ đã bị hành quyết. Quân đội Philippines nhận định phiến quân có thể đã thực hiện nhiều hành động tàn ác trong thành phố này. Ông Zia Alonto Adiong, một chính khách đang điều phối công tác giải cứu thường dân, cho biết các thi thể người chết vẫn nằm rải rác ở Marawi và người dân muốn quân đội ngưng các cuộc không kích. "Chúng tôi kêu gọi lực lượng quân đội áp dụng giải pháp khác" - ông trả lời phỏng vấn trên đài truyền hình.

Hơn nữa, nhà chức trách hôm 29-5 đã đóng cửa TP Iligan, cách Marawi khoảng 38 km, do lo ngại các tay súng Maute trà trộn vào dòng người chạy loạn và thực hiện cuộc tấn công. "Chúng tôi không muốn Iligan rơi vào hoàn cảnh giống như Marawi. Chúng tôi muốn bảo đảm an toàn cho người dân nơi đây" - đại tá Alex Aduca, tư lệnh tiểu đoàn bộ binh cơ giới số 4, khẳng định. 


IS mở rộng ảnh hưởng ở Đông Nam Á

Vụ tấn công táo tợn vào TP Marawi của các tay súng trung thành với IS không chỉ khiến giới quan sát bị sốc mà còn làm gia tăng nỗi lo nhóm khủng bố này đang thành công trong việc mở rộng ảnh hưởng đến Đông Nam Á. Ông Rohan Gunaratna, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm chính trị và khủng bố (ICPVTR) tại Singapore, cho biết hiện có hơn 60 nhóm trong khu vực tuyên thệ trung thành với Abu Bakr al-Baghdadi, thủ lĩnh IS. Vụ đánh bom tự sát kép tại thủ đô Jakarta - Indonesia đêm 24-5 (giờ địa phương) cho thấy nỗi lo trên không phải không có cơ sở. Dù vụ tấn công do 2 công dân Indonesia gây ra, cảnh sát nghi ngờ chúng có liên hệ với IS và thực tế là nhóm này cũng đã lên tiếng nhận trách nhiệm. Cũng trong tuần rồi, lực lượng an ninh Malaysia bắt giữ 6 người nghi là phần tử vũ trang, trong đó có 1 tên bị cáo buộc buôn lậu vũ khí cho IS.

Theo đài CNN, các nhóm vũ trang ở Philippines, Indonesia và Malaysia cũng đang tăng cường bắt tay nhau trong quá trình hoạt động. Hồi tháng rồi, một cuộc không kích của quân đội Philippines xuống các tay súng nhóm Maute ở tỉnh Lanao del Sur khiến 37 người thiệt mạng, trong đó có 3 người Indonesia và 1 người Malaysia được cho là thành viên nhóm Jemaah Islamiyah ở Indonesia. Theo báo cáo của Viện Phân tích chính sách xung đột (IPAC) tại Jakarta, các nước Đông Nam Á hiện chưa hợp tác nhiều trong cuộc chiến chống khủng bố ngay cả khi IS đã thúc đẩy sự bắt tay giữa các nhóm tại khu vực. Vì thế, nhiều chuyên gia cho rằng các nước Đông Nam Á cần hành động mạnh mẽ hơn nữa nếu không muốn thấy mối đe dọa khủng bố ngày một tăng thời gian tới.

Phương Võ

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo