Theo kết quả khảo sát tư nhân được Caixin/Markit công bố hôm 3-6, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong tháng 5 của Trung Quốc là 50.2. Theo Reuters, con số này đã mang lại "một sự thở phào ngắn hạn" cho các nhà đầu tư, bởi theo số liệu chính thức được công bố hôm 31-5, PMI của Trung Quốc chỉ đạt 49.4. PMI trên 50 cho thấy sự mở rộng của hoạt động sản xuất và dưới 50 cho thấy sự thu hẹp. Theo kết quả khảo sát của Caixin/Markit, PMI của phần lớn quốc gia châu Á, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc và Malaysia, đều dưới mức 50.
Mặc dù PMI cho thấy Trung Quốc đang trong vùng mở rộng sản xuất, chỉ số niềm tin kinh doanh tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ khi Caixin/Markit bắt đầu tiến hành khảo sát vào tháng 4-2012. Nguyên nhân đến từ "nỗi lo về sự leo thang của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng như dự đoán nhu cầu hàng hóa toàn cầu sụt giảm", theo giải thích của Caixin/Markit.
Một số chuyên gia dự đoán suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ xảy ra nếu Bắc Kinh và Washington không thể làm dịu căng thẳng thương mại tại Hội nghị Thượng đỉnh nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở TP Osaka - Nhật Bản vào cuối tháng này, nơi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể gặp nhau. "Căng thẳng thương chiến Mỹ - Trung leo thang không tốt cho thương mại toàn cầu và nếu nhu cầu hàng hóa ở Mỹ, Trung Quốc và châu Âu tiếp tục giảm - điều rất có thể xảy ra - thì đây sẽ điềm xấu cho toàn châu Á" - chuyên gia kinh tế Aidan Yao, Công ty Quản lý Đầu tư AXA (Anh), nhận định.
"Về chính sách tiền tệ đối phó, ngân hàng trung ương của hầu hết quốc gia trên toàn thế giới sẽ cắt giảm lãi suất" - ông Yao dự đoán, đồng thời cho rằng xu hướng này sẽ bắt đầu ở Úc và Ấn Độ trong tuần này trước khi lan rộng sang những quốc gia khác.
Công nhân làm việc tại một nhà máy ở TP Quảng Châu - Trung Quốc. Ảnh: REUTERS
Thương chiến Mỹ - Trung leo thang vào tháng rồi sau khi Tổng thống Donald Trump tăng thuế từ 10% lên 25% đối với hàng trăm tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Ông chủ Nhà Trắng còn đe dọa áp thuế lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Nếu lời đe dọa này được thực hiện và Bắc Kinh đáp trả, "kinh tế toàn cầu có thể bị suy thoái trong 9 tháng tới" - ông Chetan Ahya, chuyên gia của Ngân hàng Đầu tư Morgan Stanley (Mỹ), nhận định.
Bắc Kinh hôm 31-5 cũng đe dọa công bố danh sách công ty, nhóm và cá nhân nước ngoài "không đáng tin cậy", bị cáo buộc gây tổn hại đến lợi ích của các công ty Trung Quốc. Bước đi này diễn ra sau khi Washington đưa Tập đoàn Thiết bị viễn thông Huawei (Trung Quốc) vào "danh sách đen" hồi tháng rồi nhằm cấm doanh nghiệp Mỹ làm ăn với công ty này.
"Chúng tôi xem động thái này rất nghiêm túc. Điều này đồng nghĩa với việc thương chiến không những đã trở thành một cuộc chiến công nghệ mà còn là cuộc chiến tranh kinh tế quy mô diện rộng. Trung Quốc sẽ tiến hành thêm các hành động trả đũa, đặc biệt là ở mảng công nghệ" - bà Iris Pang, chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng ING (Hà Lan), lo ngại. Bên cạnh thương chiến Mỹ - Trung, lời đe dọa mới đây của Washington về việc áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Mexico cũng khiến lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu gia tăng.
Doanh nghiệp Nhật tháo chạy khỏi Trung Quốc
Ngày càng nhiều doanh nghiệp Nhật Bản di dời cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á và các nước khác do lo ngại nguy cơ sụt giảm khả năng cạnh tranh về giá giữa lúc Mỹ - Trung leo thang cuộc chiến thuế quan. Trong trường hợp Mỹ áp thuế lên hầu hết sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc, nhiều hàng hóa được các doanh nghiệp Nhật Bản sản xuất tại Trung Quốc cũng sẽ trở nên đắt đỏ hơn và giảm sức cạnh tranh.
Mỹ hôm 13-5 thông báo kế hoạch áp thuế lên tới 25% đối với 300 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong số này, 40% sản phẩm là hàng tiêu dùng. Ngoài điện thoại di động và máy tính bảng, các mặt hàng nằm trong "tầm ngắm" còn có máy chơi trò chơi, đồng hồ đeo tay và quần áo được sản xuất bởi các công ty Nhật Bản tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, một số công ty Nhật Bản vẫn do dự trong việc "tháo chạy" khỏi Trung Quốc do nỗi lo về chi phí di dời và tái xây dựng các mạng cung ứng. Ngoài ra, theo báo Yomiuri (Nhật Bản), nhu cầu sử dụng linh kiện do các công ty Nhật Bản sản xuất trong các sản phẩm Trung Quốc sẽ sụt giảm trong trường hợp cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung kéo dài. Theo ước tính của chuyên gia Shunsuke Kobayashi tại Viện Nghiên cứu Daiwa (Nhật Bản), kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản sẽ giảm 1.300 tỉ yen (tương đương 280.000 tỉ đồng) nếu kế hoạch thuế quan mới nói trên của Mỹ có hiệu lực.
Xuân Mai
Bình luận (0)