Vào tháng 6 qua, Câu Lạc bộ Cercle de l’Union Interalliee, nằm gần Điện Élysée ở Pháp, mừng sinh nhật thứ 100 bằng buổi lễ kỷ niệm 100 năm ngày ra đời liên minh Pháp - Anh - Mỹ trong Thế chiến I. Sự hào nhoáng của buổi lễ nhắc người ta nhớ đến cam kết khôi phục hào quang của nền ngoại giao và chính sách đối ngoại của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong bối cảnh quan hệ Mỹ - châu Âu có biến động.
Theo sau nhiều thập kỷ chứng kiến vai trò lãnh đạo và ảnh hưởng của Pháp giảm dần, tân nguyên thủ quốc gia Pháp cam kết mang đến niềm tin và sự quyết đoán mới cho đất nước. Tuổi trẻ, sự tự tin và trí tuệ sắc bén là những tài sản quý nhưng ông đối mặt những thách thức mạnh mẽ và sự thiếu kinh nghiệm, kết hợp với khuynh hướng độc đoán, có thể đang lấn át những phẩm chất này.
Ông Macron có khởi đầu ấn tượng, thể hiện qua nhận định thẳng thắn rằng Pháp cần một nhà lãnh đạo mạnh mẽ trong truyền thống quân chủ. Ông là người thích học lịch sử và triết học, ngưỡng mộ Vua Louis XIV, Hoàng đế Napoléon và những người cai trị "thần thánh" khác.
Ông cũng quan sát kỹ những nguyên thủ quốc gia đương đại và đã kết luận từ nhiều năm trước, dù không thừa nhận, rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin là nhà lãnh đạo thành công và được tôn trọng nhất trong lúc thất bại của những chính khách ăn nói trôi chảy nhưng yếu đuối và ve vãn giới truyền thông - như (cựu Tổng thống Mỹ) Barack Obama và (cựu Tổng thống Pháp) Francois Hollande - là điều mà ai cũng thấy.
Ông Macron có lẽ đồng ý với đánh giá của nhà khoa học chính trị Saskia Sassen, theo đó, nền dân chủ tự do đang sụp đổ khắp thế giới vì sự bất lực và tranh cãi trong nội bộ quốc hội cản trở nỗ lực giải quyết những vấn đề lâu dài vào thời điểm mà các định chế không được dẫn dắt bởi một nhân vật mạnh mẽ, được tôn trọng và vượt lên trên mọi đảng phái.
Tổng thống Emmanuel Macron và Tướng Pierre de Villiers tại lễ duyệt binh hôm 14-7. Ảnh: Reuters.
Ông Macron giành quyền kiểm soát quốc hội thông qua En Marche, đảng ít tên tuổi đã giành thế đa số đáng kinh ngạc nhờ sức hút của ông. Tuy nhiên, ông sẽ sớm đối mặt làn sóng biểu tình mạnh mẽ ngoài đường phố ngay khi các kỳ nghỉ hè khép lại.
Đà sụt giảm lâu nay của kinh tế khó lòng đảo ngược đáng kể trong thời gian tới. Người ta có thể nhận thấy bất ổn ở những chuyến tàu thường xuyên bị trì hoãn, bởi các báo động an ninh, đình công và ngay cả trong lực lượng vũ trang khi Tướng Pierre de Villiers, tổng tham mưu trưởng lực lượng này, gần đây từ chức để phản đối cắt giảm ngân sách quốc phòng.
Việc ông Macron công khai phản ứng mạnh tuyên bố của Tướng Villiers đã dẫn đến sự ra đi của tổng tham mưu trưởng nhưng uy tín của tổng thống Pháp cũng chịu tổn thất giữa lúc sự hoài nghi đang tăng rằng ông muốn có thứ quyền lực độc tài
Những sự tương phản và tiến trình tự hủy diệt bên trong Liên minh châu Âu (EU) đang trở nên không thể kiểm soát được, như thừa nhận của hầu hết người tại châu lục này. Đồng euro khiến nhiều nước sử dụng nó trở nên nghèo đi trong lúc những chính sách của khối ngăn họ xử lý hiệu quả cuộc khủng hoảng di dân.
Nhiều chuyên gia kinh tế và ngân hàng ở Đức nhất trí rằng một khi những chính sách tiền tệ dễ thở được thay thế bởi chính sách thắt lưng buộc bụng thì tình trạng thất nghiệp hàng loạt và tiêu dùng sụt giảm sẽ trở thành hiện thực, nhất là tại những nước Nam Âu có nền kinh tế mong manh hơn.
Liệu ông Macron có thể đảo ngược xu hướng trên mà không cần đưa Pháp ra khỏi khu vực đồng euro hoặc ít ra là thay đổi mạnh mẽ cấu trúc của EU? Đây dường như là điều khó có thể xảy ra, nếu không muốn nói là không thể. Bất kỳ chính sách "Sản xuất ở Pháp" nào cũng sẽ xung đột với những quy định chống lại chủ nghĩa bảo hộ quốc gia của EU và đi ngược lại triết lý tự do thương mại toàn cầu của khối.
Trên bình diện quốc tế, ông Macron khiến chính quyền Thủ tướng Anh Theresa May không khỏi phật lòng khi có thông tin ông muốn tận dụng các cuộc đàm phán về Brexit (Anh rút khỏi EU) để làm suy yếu trung tâm tài chính London và giúp Paris hưởng lợi. Ngoài ra, ông còn chọc giận Rome khi thẳng thừng bác lời kêu gọi giúp giải quyết vấn đề người tị nạn của chính phủ Ý.
Với Nga, ông Macron tỏ ra nhập nhằng. Ông Macron được cho là đã trấn an Tổng thống Vladimir Putin tại cuộc gặp ở Versailles rằng ông muốn chỉnh sửa quan hệ và hợp tác với Điện Kremlin để giải quyết các cuộc khủng hoảng ở Syria và Ukraine. Tuy nhiên, khi phát biểu công khai, ông lại có quan điểm khác, gần với lập trường của Mỹ và Anh hơn.
Với Syria, ông Macron quay lưng với hướng đi của người tiền nhiệm, theo đó cam kết dựng lên một chế độ mới sau khi giúp lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad. Gây ngạc nhiên lớn nhất có lẽ là chính sách với Iran khi có thông tin nói ông Macron dự định thăm chính thức nước này trong những tháng tới, đi ngược chính sách của Mỹ và coi thường Israel. Iran đang trở thành khách hàng lớn của các công ty điện, xây dựng và nhà sản xuất máy bay Pháp và sẽ là không khôn ngoan nếu tiếp tục tẩy chay (Tehran) chỉ để làm vừa lòng Mỹ và Israel.
Toàn bộ chính sách đối ngoại của ông Macron có thể khiến Pháp tương đối bị cô lập giữa các khối địa chính trị, khá giống với 2 ông Charles De Gaulle (Tổng thống Pháp từ năm 1959-1969) và Georges Pompidou (Tổng thống Pháp giai đoạn 1969-1974) khi nắm quyền đã thúc đẩy một tầm nhìn độc lập, tự trị chiến lược và chủ quyền. Tuy nhiên, nước Pháp khi đó là 1 trong 5 cường quốc hàng đầu thế giới, cũng như là quốc gia thống trị trong Thị trường chung gồm 6 thành viên (cùng với Đức, Ý, Bỉ, Hà Lan, Luxembourg).
Trái đất giờ đây là một hành tinh rất khác và không có gì bảo đảm tổng thống Pháp hiện tại, bất chấp sự táo bạo của mình, sẽ lại có thể giành lại được vị trí đặc quyền trong sự công nhận thân thiện giữa các nước.
Bình luận (0)