Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã may mắn thoát nạn trong một vụ ám sát hụt bằng thiết bị bay không người lái mang chất nổ tại lễ kỷ niệm 81 năm thành lập Vệ binh cách mạng tại thủ đô Caracas hôm 4-8 (giờ địa phương).
Chủ mưu ở nước ngoài?
"Đây là một vụ mưu sát nhắm vào tôi. Mọi thứ chỉ về hướng phe cực hữu Venezuela liên minh với cánh hữu Colombia và cái tên Juan Manuel Santos đứng sau vụ tấn công này" - ông Maduro phát biểu trên đài truyền hình sau đó vài giờ, trong đó nhắc tới tên tổng thống Colombia. Đồng thời, tổng thống Venezuela cũng cáo buộc những kẻ lên kế hoạch và tài trợ vụ tấn công này đang trú ngụ ở Miami, bang Florida - Mỹ và lên tiếng kêu gọi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẵn sàng hợp tác chống tại những nhóm khủng bố đó. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Venezuela cũng cho biết một số thủ phạm đã bị bắt giữ.
Theo tường thuật của kênh Sky News, Tổng thống Maduro cắt ngắn bài phát biểu của mình vì ít nhất 2 tiếng nổ vang lên trong lúc ông đang đọc diễn văn tại buổi lễ nêu trên. Hình ảnh phát sóng trực tiếp trên truyền hình cho thấy phu nhân của ông, bà Cilia Flores, đứng bên cạnh ông lúc đó, cau mày và ngước mắt nhìn lên hướng phát tiếng nổ. Hàng trăm quân nhân đứng xếp hàng ngay ngắn trên đại lộ Bolivar đã bỏ chạy. Buổi tường thuật trực tiếp của đài truyền hình bị ngưng đột ngột không một lời giải thích. Các bức ảnh từ hiện trường cho thấy đội ngũ an ninh của ông Maduro đã che chắn tổng thống và các thành viên nội các bằng những tấm phủ chống đạn. Bộ trưởng Rodriguez xác nhận tổng thống và nội các của ông đứng kế bên an toàn trong khi 7 thành viên thuộc vệ binh quốc gia bị thương.
Theo Bộ trưởng Tư pháp Venezuela Tarek William, người đứng rất gần Tổng thống Maduro trong sự kiện nói trên, thiết bị bay không người lái phát nổ vốn là thiết bị chịu trách nhiệm quay phim lễ kỷ niệm. Chính bản thân ông Maduro thừa nhận ban đầu khi nghe tiếng nổ, ông đã lầm tưởng đó là pháo hoa của buổi lễ.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro được che chắn trong vụ tấn công hôm 4-8. Ảnh: THX
Vũ khí khó lường
Phản ứng trước vụ việc, các nước trong khu vực như Cuba, Nicaragua, Bolivia đều lên án hành động này. Theo trang Wired, chỉ mới cách đây vài năm, không ai nghĩ đến chuyện máy bay không người lái được sử dụng làm phương tiện thực hiện tấn công nhưng thời gian gần đây, nó đã nhanh chóng trở thành một loại vũ khí quen thuộc. Nhà chức trách Venezuela vẫn chưa công bố kết luận xác đáng về bản chất chính xác của vụ tấn công được gọi là "mưu sát" nói trên, kể cả loại thiết bị không người lái được sử dụng cũng như chất nổ liên quan. Dư luận bị sốc vì loại vũ khí này được dùng để tấn công tổng thống Venezuela nhưng thực ra trước đây đã xảy ra những vụ tấn công tương tự. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng thường sử dụng máy bay không người lái 4 cánh để thả lựu đạn, ném bom các mục tiêu... trong suốt nhiều năm hoành hành.
Giới chức Quốc phòng Mỹ gần đây cũng tỏ ra quan ngại về vấn đề này. Trong bản điều trần chung gửi quốc hội hôm 6-6, Thứ trưởng Bộ An ninh nội địa phụ trách tình báo David Glawe và phó tổng công tố viên của bộ này Hayley Chang đã gióng lên tiếng chuông báo động: "Đây là mối đe dọa rất nghiêm trọng mà chúng ta hiện không sẵn sàng đối đầu. Ngày nay, chúng ta không thể chống lại một cách hiệu quả việc sử dụng máy bay không người lái một cách hiểm độc". Theo đó, máy bay không người lái không chỉ sử dụng để mang chất nổ. Đó còn là phương tiện buôn lậu ma túy, quan sát của tội phạm...
Trước đây, bản báo cáo năm 2016 của tổ chức phi lợi nhuận Open Briefing đã từng trình bày về khả năng tấn công bằng máy bay không người lái, không khác với sự việc ở Venezuela hôm 4-8 vừa qua. Mối lo ngại này nay đã được bộc lộ trong khi các hệ thống phòng thủ ngày nay không đủ sức để ngăn chặn điều đó xảy ra thêm lần nữa. Ngay cả việc thiết lập các vùng cấm bay với thiết bị không người lái cũng dễ dàng bị những kẻ tấn công tinh vi qua mặt. "Các trở ngại đã hạ thấp đến mức bất cứ ai có đủ tiền đều có thể kiếm được một chiếc máy bay không người lái và khả năng về kỹ thuật của một cậu bé 12 tuổi cũng có thể thực hiện một cuộc mưu sát như vậy" - ông Colin Clarke, nhà phân tích an ninh quốc tế tại tổ chức nghiên cứu RAND, bày tỏ.
Chiến binh Flannel "nhận trách nhiệm"
Một nhóm có tên gọi Phong trào quốc gia của Những chiến binh Flannel (gọi tắt là Chiến binh Flannel) đã nhanh chóng lên tiếng nhận trách nhiệm vụ vụ ám sát hụt Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Trong tuyên bố trên mạng xã hội Twitter hôm 5-8, nhóm này cho biết kế hoạch của họ là đưa 2 thiết bị bay không người lái (drone) mang chất nổ C4 nhắm vào khán đài nơi Tổng thống Maduro đứng nhưng kế hoạch bất thành. Các drone này đã bị lính bắn tỉa của chính phủ phát hiện và bắn hạ trước khi thực hiện kế hoạch ám sát ông Maduro và phu nhân. "Chúng tôi đã chứng minh rằng họ có thể bị tấn công. Dù kế hoạch không thành công trong hôm nay nhưng chỉ là vấn đề thời gian mà thôi" - nhóm Chiến binh Flannel cảnh báo.
Nhóm Chiến binh Flannel được cho ra đời năm 2014 với thành phần là các phi công trực thăng cảnh sát và có mối liên hệ với cựu quan chức Venezuela Oscar Perez, người bị cho là đứng sau vụ tấn công bằng trực thăng nhằm vào các tòa nhà chính phủ ở Caracas hồi tháng 6-2017. Ông Perez đã bị lực lượng an ninh Venezuela tiêu diệt hồi tháng 1-2018.
BẢO HẠNH
Bình luận (0)