“Chúng tôi nhìn thấy các em trong những điều kiện tồi tệ, nằm rúc vào nhau trong mền quanh những chiếc đèn dầu” - người phát ngôn của Save the Children - Ian Woolverton - bày tỏ sau khi thăm một số trung tâm sơ tán ở Đông Bắc Nhật Bản. Woolverton nói thêm: “Các em kể với tôi về những nỗi lo lắng, đặc biệt là nỗi sợ phóng xạ. Nhiều em nhắc đến chuyện Mỹ thả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki mà các em được dạy ở trường”.
Một bé trai nhận khẩu phần ăn tại một trung tâm sơ tán ở thành phố Fukushima hôm 20-3. Ảnh: AP
Chính phủ khẳng định rằng không có mối đe dọa lan rộng phóng xạ. Nhưng với việc các nhân viên thuế quan Đài Loan phát hiện đậu fava nhập từ Nhật Bản bị nhiễm phóng xạ - dù liều lượng không đủ gây hại - sẽ khó mà làm dịu nỗi lo của công chúng. Nhiều chính phủ ở châu Á đã bắt đầu kiểm tra phóng xạ một cách có hệ thống đối với các hàng hóa sản xuất tại Nhật, cũng như đối với hành khách trên các chuyến bay đến từ nước này. Nhưng Tsai Shu-chen thuộc Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan nhấn mạnh rằng i-ốt phóng xạ và cesium-137 được phát hiện trên đậu fava nằm dưới ngưỡng an toàn quốc gia.
Ở khu vực trung tâm thảm họa phía Đông Bắc Nhật Bản, các nhà chức trách đang nỗ lực cung cấp nhiều nhiên liệu và thực phẩm hơn cho những người sống sót bị bệnh và đói, lại chịu cảnh giá rét. Ở các trại tạm cư, một số ông bà cụ kể cho con cháu nghe những câu chuyện về cách mà họ đã vượt qua những thử thách gay go trong và sau cuộc chiến tranh thế giới thứ hai - cuộc chiến đã biến Nhật Bản thành đống đổ nát, hoang tàn. “Chúng tôi phải sống bằng bất cứ giá nào” - ông Shigenori Kikuta, 72 tuổi, nói. “Chúng tôi phải kể cho con cháu để nhớ điều này và lưu truyền câu chuyện của chúng tôi đến các thế hệ tương lai” - ông nói.
Bình luận (0)