Chủ của những công nhân này là FoxConn, tập đoàn sản xuất linh kiện điện tử cho các dòng sản phẩm lớn, từng nhiều lần bị đưa lên các phương tiện truyền thông vì xì-căng-đan công nhân tự tử hàng loạt do không chịu nổi điều kiện làm việc khắc nghiệt.
Nay đài PRI (Public Radio International) thực hiện một phóng sự đặc biệt để tìm hiểu sâu về điều kiện làm việc ở các nhà máy sản xuất sản phẩm của Apple tại Thâm Quyến (Quảng Đông, Trung Quốc).
5% công nhân dưới tuổi lao động
Thành phố Thâm Quyến là nơi sản xuất hàng loạt sản phẩm công nghệ cao cho thị trường nước ngoài. 30 năm trước, Thâm Quyến chỉ là một địa danh nhỏ cạnh bờ sông, nay là một thành phố có dân số 13 triệu người, còn lớn hơn cả New York.
Tại đây, FoxConn có một cụm nhà máy với hơn 430.000 công nhân. Cụm nhà máy này có tới 20 nhà ăn với công suất 10.000 người mỗi nhà ăn.
Những cư xá dành cho công nhân FoxConn được trang bị lưới chống tự tử. Ảnh: PRI
Một công nhân được phỏng vấn ngoài cửa nhà máy, nơi được bảo vệ bởi những nhân viên được trang bị súng, là một cô bé mới chỉ 13 tuổi, làm công việc lau bóng hàng trăm ngàn màn hình iPhone mỗi ngày.
Theo lời cô bé, FoxConn không hề kiểm tra độ tuổi công nhân khi nhận vào làm. Khi có thanh tra đến, họ chỉ việc thay các công nhân trẻ bằng các công nhân lớn tuổi hơn.
Trong vòng 2 giờ phỏng vấn, các phóng viên gặp một số công nhân ở độ tuổi 13,14 và nhỏ nhất chỉ mới 12 tuổi. Tại đây có thể có đến 5% số công nhân ở dưới độ tuổi lao động.
Có vẻ lạ là Apple, một công ty luôn nổi tiếng nghiêm ngặt đến từng chi tiết với sản phẩm của mình lại bỏ qua những việc này. Cũng có thể Apple hoàn toàn không muốn biết? Đó chính là nỗi xấu hổ của Apple.
Điều kiện lao động khắc nghiệt
Đi qua nhiều nhà máy, các phóng viên để ý thấy không hề có các loại máy móc hỗ trợ lao động. Không khí lao động im lặng đến đáng sợ. Nói chuyện trong giờ làm việc bị cấm hoàn toàn. Tại một số nhà máy, công nhân phải đứng để làm việc dưới sự giám sát của camera.
Mặc dù một ngày làm việc chính thức ở Trung Quốc chỉ có 8 giờ nhưng một ca làm việc bình thường ở các nhà máy này lên đến 12 giờ, thậm chí kéo dài 14 - 16 giờ khi có những mặt hàng mới bán chạy cần được sản xuất nhanh. Trong khi đoàn phóng viên lưu lại ở Thâm Quyến, có một công nhân chết vì phải làm việc đến 34 giờ liên tục.
Điều kiện làm việc ngặt nghèo như vậy nhưng công nhân không dám đấu tranh. Trong khi đó, các tổ chức công đoàn tại các nhà máy này thường theo giới chủ. Các phóng viên phỏng vấn một cựu công nhân về điều kiện làm việc khắc khổ ở FoxConn, ông cho biết việc sử dụng chất hexane để lau màn hình iPhone rất độc hại.
Hexane bốc hơi nhanh hơn các chất lau màn hình thông dụng nên làm tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, chất này gây hại đến hệ thần kinh, làm cho công nhân bị run tay.
Liên tục làm động tác duy nhất trong một thời gian dài cũng hủy hoại cơ tay, về lâu dài, họ không thể tiếp tục làm việc và dĩ nhiên sẽ nhanh chóng bị cho thôi việc ngay sau đó.
Những ai phàn nàn hoặc xin tăng lương sẽ bị công ty cho vào một “danh sách đen”, liệt kê những thành viên gây “phiền phức” và cũng sẽ được thông báo đến các công ty khác để họ khó được tuyển dụng tại đây.
Một công nhân nam bị một máy kim loại nghiến nát tay, FoxConn không hề trả chi phí chữa trị. đến khi lành vết thương, ông không thể tiếp tục làm việc được nữa và bị FoxConn đuổi việc.
Công việc của công nhân này là làm các khung máy cho iPad nhưng ông chưa bao giờ nhìn thấy một chiếc máy iPad hoàn thiện. Khi các phóng viên đưa cho ông xem một chiếc máy iPad, ông nói: “Thật là thần kỳ!”.
Trước đây, sau những vụ tai tiếng do công nhân tự tử hàng loạt, FoxConn trang bị thêm cho các cơ sở của mình hàng loạt dịch vụ và thiết bị ngăn chặn ý định tự tử. Cụ thể, các tòa nhà công nhân ở đều được gắn các tấm lưới chống tự tử, các hệ thống nhân viên tư vấn tâm lý, phòng giải trí xả stress được triển khai.
Thậm chí, FoxConn còn tổ chức nhiều sự kiện như diễu hành, lễ hội để khuyến khích, cổ động công nhân “trân trọng mạng sống của bạn”. Tuy gần đây không có nhiều trường hợp tự tử như các năm trước nhưng điều này không có nghĩa là điều kiện làm việc ở các nhà máy đã được cải thiện đáng kể.
Mặc dù điều kiện làm việc ở các nhà máy này kinh khủng đến vậy nhưng thực tế lại có lợi cho người dân Trung Quốc. với việc sản xuất các thiết bị điện tử hiện đại cho nước ngoài, công nhân có thể được hưởng lương 250 USD/tháng, thay vì làm nông chỉ có thể kiếm được 50 USD/tháng.
Năm 2010, Reuters có đưa tin FoxConn tăng lương cho công nhân lên 298 USD/ tháng, tức 10 USD/ ngày, hay ít hơn 1 USD/giờ. Với số tiền này, công nhân có cuộc sống khá hơn trước, đặc biệt là phụ nữ, những người không có nhiều lựa chọn trong công việc.
Vì sao họ chọn FoxConn?
Việc Apple và hàng chục công ty công nghệ nổi tiếng khác chọn FoxConn làm đối tác chắc hẳn vì yếu tố lợi nhuận do giá công nhân rẻ mạt. Vì nếu phải theo đúng luật lao động với các quyền lợi căn bản như công nhân ở châu Âu hay Mỹ, FoxConn sẽ không thể nào tuyển lao động với giá rẻ. Và nếu như thế, Apple sẽ không thể bán sản phẩm của mình với giá cạnh tranh và thu lợi nhuận khổng lồ như hiện nay.
Lợi nhuận của Apple cao đến mức dù cho có tăng giá thành sản xuất, họ vẫn đạt lợi nhuận rất cao. Câu hỏi đặt ra là tại sao Apple lại không sản xuất các sản phẩm của mình ở Mỹ, nơi Apple có sẵn trụ sở chính và dây chuyền bán lẻ hùng hậu? Trong khi đó, người Mỹ trong cơn khủng hoảng kinh tế, tài chính vẫn đang rất thiếu việc làm? Câu trả lời đơn giản, Apple chỉ vì lợi nhuận. |
Bình luận (0)