Reuters cho biết hãng thời trang xa xỉ của Anh là Burberry đã mất một đại sứ thương hiệu Trung Quốc, trong khi thiết kế hoạ tiết tartan nổi bật của hãng bị loại khỏi một trò chơi điện tử nổi tiếng. Burberry là thương hiệu xa xỉ đầu tiên bị Bắc Kinh phản ứng dữ dội trước cáo buộc vi phạm nhân quyền mà phương Tây đưa ra về Tân Cương.
Theo đó, nữ diễn viên Trung Quốc Zhou Dongyu (Châu Đông Vũ) đã chấm dứt hợp đồng với Burberry với tư cách đại sứ thương hiệu. Lý do là Burberry "không tuyên bố rõ ràng và công khai lập trường của mình về sợi bông từ Tân Cương".
Hãng thời trang xa xỉ của Anh là Burberry đã mất một đại sứ thương hiệu Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Burberry - thành viên của Sáng kiến Sợi bông tốt hơn, một nhóm thúc đẩy sản xuất sợi bông bền vững - hồi tháng 10 năm ngoái thông báo họ đã đình chỉ việc phê duyệt sợi bông có nguồn gốc từ Tân Cương với lý do lo ngại về nhân quyền.
Ngoài ra, thiết kế kẻ sọc mang tính biểu tượng của Burberry cũng bị loại khỏi trang phục của các nhân vật trong trò chơi điện tử “Honour of Kings” cực kỳ nổi tiếng của tập đoàn Trung Quốc Tencent Holdings Ltd.
Burberry Trung Quốc không bình luận khi Reuters liên lạc. Sợi bông mà Burberry sử dụng có nguồn gốc từ Mỹ, Úc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Ai Cập, theo trang web của hãng.
Trong một bức thư gửi các nghị sĩ Anh vào tháng 11 năm ngoái, Burberry xác nhận họ không có bất kỳ hoạt động nào ở Tân Cương hoặc làm việc với bất kỳ nhà cung cấp nào đặt trụ sở tại đó. Hãng khẳng định sẽ không dung thứ cho bất kỳ "hình thức nô lệ hiện đại" nào.
Nữ diễn viên Trung Quốc Zhou Dongyu. Ảnh: Reuters
Các thương hiệu khác như H&M, Adidas AG và Nike Inc - trước đây bày tỏ quan điểm chỉ trích điều kiện lao động ở Tân Cương, khu vực sản xuất sợi bông lớn nhất Trung Quốc - cũng vấp phải phản ứng dữ dội tại đại lục, đặc biệt là trên các phương tiện truyền thông xã hội và truyền thống.
Nhiều nhà hoạt động và chuyên gia về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc cáo buộc Trung Quốc cưỡng bức lao động đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Tuy nhiên, Bắc Kinh phủ nhận những cáo buộc này và lập luận rằng hành động của họ trong khu vực là cần thiết để chống lại chủ nghĩa cực đoan.
Hôm 26-3, Trung Quốc áp lệnh trừng phạt các thực thể và cá nhân ở Anh vì "dối trá và đưa thông tin sai lệch" về Tân Cương. Động thái này diễn ra vài ngày sau khi London áp đặt các biện pháp trừng phạt vì cáo buộc vi phạm nhân quyền ở khu vực phía Tây Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố họ đã trừng phạt 4 thực thể và 9 cá nhân ở Anh, bao gồm các nghị sĩ như cựu lãnh đạo Đảng Bảo thủ Iain Duncan Smith và Ủy ban Nhân quyền Đảng Bảo thủ.
Những cá nhân bị nhắm mục tiêu và thành viên gia đình họ bị cấm vào lãnh thổ Trung Quốc, đồng thời công dân và tổ chức Trung Quốc bị cấm kinh doanh với họ.
Đây được xem là sự trả đũa của Bắc Kinh đối với một loạt biện pháp trừng phạt phối hợp do Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Anh và Canada áp đặt về cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Trung Quốc sau đó trừng phạt trả đũa EU theo thông báo hôm 26-3.
"Trung Quốc kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh và lợi ích phát triển của mình, đồng thời cảnh báo Anh không phạm thêm sai lầm. Nếu không, Trung Quốc nhất định đưa ra các phản ứng tiếp theo" - Bộ Ngoại giao Trung Quốc cảnh báo.
Đại sứ quán Anh tại Trung Quốc chưa lên tiếng về thông báo trên.
Bình luận (0)