Lượng cacbon trong bầu khí quyển trái đất hiện chạm mốc cao chưa từng thấy trong 4 triệu năm qua, theo nghiên cứu của các nhà khoa học đến từ Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) và Viện Hải dương học Scripps (SIO) thuộc Trường ĐH California San Diego (Mỹ).
Dựa vào lượng CO2 trong không khí đo được tại trạm thời tiết Mauna Loa của NOAA ở Hawaii, đây là mức cao kỷ lục kể từ khi quá trình đo lường bắt đầu cách đây 63 năm.
Các thiết bị của đài quan sát của NOAA cho thấy nồng độ CO2 trong khí quyển vào tháng rồi ở mức trung bình 419 phần triệu, hơn mức 417 phần triệu của tháng 5-2020.
"Chúng ta đang thải thêm gần 40 tỉ tấn khối khí CO2 vào bầu khí quyển mỗi năm. Lượng khí thải này xuất phát từ việc khai thác tài nguyên trái đất, đốt chúng và thải vào bầu khí qu yển từ năm nay sang năm khác" – ông Pieter Tans, một nhà khoa học của NOAA, khẳng định.
Giảm phát thải CO2 là một trong những ưu tiên hàng đầu nếu chúng ta muốn tránh những thảm họa tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu. Ảnh: Reuters
Lượng khí thải toàn cầu tạm giảm vào năm ngoái khi các nước phong tỏa chống Covid-19, đóng cửa doanh nghiệp và nhà máy. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), lượng khí phát thải toàn cầu trong năm 2020 đã giảm 5,8% so với năm 2019 – mức giảm cao nhất trong 1 năm từng được ghi nhận. Dù vậy, con số này là không đáng kể.
Các nhà khoa học đến từ SIO từng ước tính lượng khí thải do con người phát ra phải giảm 20%-30% trong ít nhất 6 tháng để đạt được kết quả có thể nhận thấy được trong nỗ lực làm chậm tốc độ gia tăng CO2 trong khí quyển.
Tháng trước, IEA đã chia sẻ lộ trình giúp mọi quốc gia trên thế giới đạt được mục tiêu không phát thải vào năm 2050. Các nước sẽ phải đưa ra những thay đổi mạnh mẽ, như ngừng xây dựng nhà máy than ngay tức thì, cấm bán các phương tiện chạy bằng xăng trước năm 2035, đồng thời phủ sóng tuabin gió và pin năng lượng mặt trời ở tốc độ chưa từng thấy.
Nếu đạt được mục tiêu trên, các nước có thể hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức khoảng 1,5 độ C so với giai đoạn tiền công nghiệp. Điều này sẽ giúp nhân loại tránh được một vài hậu quả thảm khốc nhất của biến đổi khí hậu, như sự sụp đổ không thể khôi phục của các tảng băng hay mất mùa diện rộng.
Lượng khí thải toàn cầu tạm giảm vào năm ngoái khi các nước phong tỏa chống Covid-19, đóng cửa doanh nghiệp và nhà máy. Ảnh: AP
Bình luận (0)