Ngày càng nhiều thanh niên ở Trung Quốc trở về nông thôn để bắt đầu khởi nghiệp với vài trăm mẫu ruộng, dấy lên phong trào nông dân trẻ làm giàu với sự trợ giúp từ máy bay không người lái.
Thời của máy bay không người lái
Trần Lệ Hoa, SN 1990, trở về quê nhà ở tỉnh Chiết Giang vào năm 2019 do công việc khó khăn ở thành phố. Về quê, chứng kiến bố mẹ mình phải làm nông cực nhọc nên cô tìm cách khắc phục.
Mong muốn của cô là hoàn thiện quy trình trồng và quản lý đất nông nghiệp thông minh thông qua các phương tiện không người lái. Với sự trợ giúp của công nghệ cao, khu đất nông nghiệp không cần người làm do cô và anh họ cùng quản lý cuối cùng đã trở thành hiện thực.
Ngải Hải Bằng cũng trở về quê sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành kỹ sư nông nghiệp. Năm 2020, sản lượng cánh đồng bông thông minh gần 2 ha do anh trồng và quản lý vượt 400 kg. Anh tin rằng mô hình này cũng có thể được áp dụng để trồng bông trên cánh đồng lớn. Điều này sẽ giúp cải thiện đáng kể sản lượng và chất lượng bông của Trung Quốc.
Trong vụ gieo trồng mùa xuân năm nay, Ngải Hải Bằng và thanh niên trong làng tham gia thử thách cánh đồng bông siêu lớn ở địa phương. Họ đã trồng và quản lý hơn 1.000 ha bông. Vào cuối tháng 9, sản lượng bông mỗi hecta đạt hơn 100 kg.
Trong khi đó, nông dân 9x Thượng Niên Quân ở tỉnh Chiết Giang đã tiến hành thử nghiệm gieo hạt bằng máy bay không người lái vào năm ngoái và hài lòng với kết quả đạt được. Anh nói với Tân Hoa xã: "Việc gieo sạ khoảng 53 ha chỉ trong vài ngày là xong. Nếu chúng ta sử dụng máy móc thông thường thì mất 20 ngày. Bón phân bằng máy bay không người lái thì tiết kiệm, đồng đều hơn so với việc bón phân thủ công".
Trước thành tích ở tỉnh Chiết Giang, các vùng nông thôn tỉnh Hà Nam cũng triển khai cách hoạt động trồng trọt bằng máy bay không người lái.
Nông dân tỉnh Chiết Giang - Trung Quốc sử dụng máy bay không người lái để kiểm soát sâu bệnh hại hoa màu. Ảnh: TÂN HOA XÃ
Xu hướng người trẻ trong độ tuổi 20-30 về nông thôn lập nghiệp cũng nở rộ ở Hàn Quốc. Sau khi tốt nghiệp đại học năm 2017, Jeong Kang-seok trở về quê ở huyện Gurye, tỉnh Jeolla Nam. Anh bắt đầu làm trang trại một năm sau đó. Dù chưa có nhiều lợi nhuận, anh hài lòng với công việc và còn lấy tên mình đặt cho loại dưa đem bán ra thị trường.
Ở Hàn Quốc, những người trẻ như Jeong Kang-seok được coi là tương lai của ngành nông nghiệp giữa lúc dân số già hóa nhanh chóng ở nông thôn.
Sự tiếp sức từ chính phủ
Từ cuối năm 2020, chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ các nông dân trẻ đủ điều kiện, từ 18 đến 40 tuổi, số tiền trợ cấp lên đến 1 triệu won (khoảng 21 triệu đồng) mỗi tháng trong 3 năm đầu định cư. Bên cạnh đó, những người mới làm quen với việc trồng trọt có thể được hỗ trợ trong việc thuê đất nông nghiệp, tham gia các khóa đào tạo tại chỗ.
Theo Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc, thu nhập trung bình của các hộ nông dân nước này đạt mức cao kỷ lục với 45 triệu won (876,5 triệu đồng) trong năm 2020 nhờ trợ cấp của chính phủ.
Chính quyền tỉnh Gyeongsangnam đầu tư 90 tỉ won (hơn 1.750 tỉ đồng) vào việc xây dựng một trang trại thông minh rộng 48 ha. Dự án phát triển nông nghiệp thông minh này thu hút 52 nông dân trẻ trên toàn quốc tham gia.
Ông Kim Kyoung-soo, Chủ tịch tỉnh Gyeongsangnam, nhấn mạnh: "Mục tiêu của chúng tôi là làm hồi sinh các khu vực nông thôn bằng cách giúp những nông dân trẻ định cư thành công thông qua việc áp dụng các công nghệ canh tác thông minh để làm giàu".
Anh Kim Tae-wook - 32 tuổi, du học ở Mỹ và dự định gắn bó lâu dài với nông nghiệp - cho biết: "Tôi hỗ trợ phân tích các dữ liệu để nông nghiệp thông minh mang lại hiệu quả cao hơn cho nông dân".
Tương tự, Nhật Bản cũng có ưu đãi đối với lao động chuyển sang làm nghề nông như cung cấp chỗ ở gần trang trại, hỗ trợ phát triển công nghệ phục vụ quá trình sản xuất nông nghiệp, giảm thuế cho các công trình nghiên cứu và các công ty đầu tư vào lĩnh vực này.
Tại Ukraine, nhằm tận dụng tối đa điều kiện đất đai, nước này ngày 1-7 mở thị trường đất nông nghiệp trong một diễn biến được mô tả là "một trong những cột mốc quan trọng nhất kể từ khi giành được độc lập".
Nước đi này, theo Tổ chức Nghiên cứu Atlantic Council (Mỹ), tạo cú hích cho ngành nông nghiệp vốn đã phát triển mạnh mẽ của Ukraine, có thể biến quốc gia này thành một "siêu cường nông nghiệp".
Mục tiêu của đợt cải cách này là thiết lập bộ quy tắc rõ ràng nhằm bảo đảm an sinh và công bằng xã hội, loại bỏ tham nhũng để thúc đẩy tăng trưởng thông qua hệ thống giám sát kỹ thuật số. Để bảo đảm tính minh bạch, Ukraine đã xây dựng cổng dữ liệu mở, cho phép mọi cá nhân theo dõi thông tin chi tiết liên quan đến việc sở hữu và sử dụng đất canh tác.
Dự án nông dân thông minh
Ở Thái Lan, Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác xã Nông nghiệp (BAAC) hỗ trợ đào tạo những nông dân thông minh sử dụng công nghệ đổi mới để tăng hiệu quả sản xuất và canh tác, phân bổ tới 3,3 tỉ USD để thúc đẩy ngành nông nghiệp.
Thế hệ nông dân trẻ “thông minh” góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế Thái Lan. Ảnh: THE BANGKOK POST
Ủy ban Đầu tư Thái Lan (BOI) đã thông qua nhiều ưu đãi đặc biệt dành cho các nhà đầu tư vào dự án liên quan đến sản xuất nông nghiệp hiện đại nhằm mục tiêu cải thiện ngành nông nghiệp của nước này.
Chính phủ Thái Lan triển khai dự án phát triển nông dân thông minh, thực hiện từ năm 2013 với 12,6 triệu nông dân tham gia. Mục tiêu chính là cải thiện sinh kế của nông dân thông qua việc nâng cao kỹ năng và năng lực sản xuất nông nghiệp với chương trình đào tạo, chia sẻ kiến thức và thông tin về sản xuất nông nghiệp, chất lượng sản phẩm và thị trường.
Kỳ tới: Đông Nam Á học từ Israel
Bình luận (0)