Theo Reuters, khu vực Nam Âu đang chuẩn bị đón nhận một mùa hè hạn hán dữ dội do biến đổi khí hậu, nhiều nơi hiện đã bị thiếu nước, nguồn dự trữ nước ngầm cạn kiệt. Ở Tây Ban Nha, miền Nam nước Pháp và Ý, mức nước sông và hồ chứa hiện rất thấp, đe dọa sản xuất thủy điện và nông nghiệp.
Các nhà khoa học khí hậu cảnh báo rằng châu Âu có thể phải hứng chịu một mùa hè khắc nghiệt khác với nắng hạn kỷ lục. Mới năm ngoái, một mùa hè nóng kỷ lục gây ra đợt hạn hán được đánh giá là tồi tệ nhất trong ít nhất 5 thế kỷ đã tàn phá châu lục này.
"Vào thời điểm này trong năm, điều duy nhất chúng tôi có thể có là những cơn bão cục bộ, đúng hẹn, nhưng chúng cũng không đủ để giải quyết tình trạng thiếu hụt lượng mưa. Hạn hán sẽ tồi tệ hơn trong mùa hè này" - giáo sư Jorge Olcina, chuyên gia phân tích địa lý từ Đại học Alicante ở Tây Ban Nha, cho biết.
Tây Ban Nha là nơi cung cấp 1/2 sản lượng ô liu, 1/3 sản lượng trái cây của EU. Nước này đang phải hứng chịu hạn hán khốc liệt nhất. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Tây Ban Nha Luis Planas trước đó đã phải tìm kiếm sự hỗ trợ khẩn cấp từ Liên minh châu Âu (EU), cảnh báo rằng đợt hạn hán này nghiêm trọng tới mức không thể được giải quyết bằng các quỹ quốc gia.
Vùng Sừng châu Phi vẫn đang chịu đợt hạn hán khốc liệt nhất trong nhiều thập kỷ, trong khi một đợt hạn hán lịch sử khác hủy hoại mùa vụ đậu tương và ngô ở Argentina. Toàn bộ vùng Địa Trung Hải - nơi nhiệt độ trung bình hiện cao hơn 1,5 độ C so với 150 năm trước - cũng hứng chịu hạn hán thường xuyên và nghiêm trọng.
Nông dân thu hoạch cỏ khô trên một cánh đồng tàn phá bởi hạn hán kéo dài ở vùng Ronda, miền Nam Tây Ban Nha hôm 11-5Ảnh: REUTERS
Một quốc gia hàng đầu về nông nghiệp khác là Ấn Độ đang lo lắng một mùa mưa gió thất thường. Sự trở lại của El Nino có thể gây thêm rắc rối.
El Nino có thể mang mưa trở lại một số quốc gia đang hạn hán khác nhưng lại thường gây khô hạn nhiều hơn khắp tiểu lục địa Ấn Độ, khiến lượng mưa xuống dưới mức trung bình và đôi khi là hạn hán nghiêm trọng đến mức chính quyền phải hạn chế xuất khẩu một số loại ngũ cốc. Trong 4 năm El Nino gần nhất, Ấn Độ liên tục đối diện với hạn hán và lượng mưa giảm xuống dưới 90% so với mức trung bình.
Gió mùa là yếu tố sống còn của nền kinh tế Ấn Độ, cung cấp gần 70% lượng mưa mà nước này cần thiết để tưới tiêu cho các trang trại, nạp lại các hồ chứa và tầng ngậm nước. Gần một nửa diện tích đất nông nghiệp Ấn Độ không có bất kỳ hệ thống tưới tiêu nào và hoàn toàn phụ thuộc vào lượng mưa gió mùa từ tháng 6 đến tháng 9. Trong khi đó, nhiều khu vực nông nghiệp của Ấn Độ hiện đã khô hạn.
Báo The Straits Times đưa tin hôm 16-5, giá đường toàn cầu đã tăng gần mức cao nhất trong hơn 1 thập kỷ, nguyên nhân chính là nhà cung cấp đường hàng đầu của thế giới là Ấn Độ đang hạn chế xuất khẩu. Sản lượng đường niên vụ hiện tại (bắt đầu từ tháng 10-2022) đã giảm 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái, có thể nghiêm trọng hơn vì nhiều nhà máy đường đóng cửa do thiếu nguyên liệu. Tình trạng thiếu nước đang tàn phá bang trồng mía chủ lực Maharashtra.
Ngoài các nỗ lực chống biến đổi khí hậu, các nhà khoa học cho rằng các chính phủ và các ngành liên quan cần nỗ lực trong việc cải thiện mô hình nông nghiệp tiết kiệm nước, ví dụ như áp dụng các kỹ thuật tưới tiêu chính xác, chuyển sang các cây trồng chịu hạn tốt hơn.
Thêm nỗi lo từ thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen
Theo CNN, Ủy ban Cứu hộ quốc tế (IRC) của Liên Hiệp Quốc cảnh báo hôm 16-5 rằng sự gián đoạn của Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen - vốn đang bị "treo" do gia tăng căng thẳng trong xung đột Nga - Ukraine - sẽ bồi thêm bất ổn cho thị trường đang trong thời điểm mất an ninh lương thực ở mức kỷ lục, với 349 triệu người trên 79 quốc gia ước tính sẽ trải qua tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng trong năm 2023.
Theo IRC, có tới 90% hàng nhập khẩu vào các nước Đông Phi là các lô hàng được hỗ trợ bởi thỏa thuận ngũ cốc. Nếu những hoạt động này dừng lại, số lượng người suy dinh dưỡng sẽ tăng đột biến lên gần 19 triệu người vào năm 2023. Thỏa thuận này sẽ chính thức hết hạn vào ngày 18-5 nếu không được gia hạn.
Bình luận (0)