Trong suốt mấy thập niên qua, những cáo buộc về gián điệp kinh tế vẫn còn nóng hổi. Hầu hết các tố cáo gần đây liên quan đến Brazil, Đức, Pháp, Trung Quốc và Mỹ. Đứng ở vị trí hàng đầu bị buộc tội do thám kinh tế hiện nay phải kể đến Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA).
Do thám lĩnh vực năng lượng
Theo công bố gần đây của cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden, NSA đã không chỉ theo dõi các chính khách và người dân bình thường mà còn để mắt đến cả lĩnh vực thương mại. “Người thổi còi” tiết lộ với các nhà báo Đức rằng NSA cũng đang moi thông tin then chốt từ nền kinh tế toàn cầu.
Bà Annie Machon, cựu đặc vụ MI5 của Anh, nhận định tiết lộ vừa nêu có tầm quan trọng đặc biệt do quy mô của vấn đề. Các cơ quan tình báo luôn luôn nhận nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia cũng như sự thịnh vượng về kinh tế đất nước của họ.
Từ rất lâu, trước khi “người thổi còi” tiết lộ thông tin mật của NSA, Washington đã có hành vi làm gián điệp trên mạng nhằm vào ngành công nghiệp dầu mỏ của Venezuela. Trong mấy năm gần đây, NSA thiết lập mối liên hệ với một số nhà thầu tư nhân Mỹ, trong đó có Công ty quốc tế Ứng dụng khoa học (SAIC) hoạt động trong ngành công nghệ thông tin và kỹ thuật. Trong suốt nhiều năm trời, HĐQT SAIC có mặt một số quan chức cao cấp của Washington, gồm cả cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates và cựu Giám đốc NSA Bobby Ray Inman.
NSA đã thu thập thông tin tình báo về Công ty Dầu mỏ PdVSA của Venezuela, bằng chứng cho thấy Washington quan tâm đến lĩnh vực năng lượng đang tăng trưởng ở Nam Mỹ, đặc biệt là các nước cánh tả có thể tiếp cận với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú. Năm 1996, trước khi ông Hugo Chavez nắm quyền, SAIC đã ký một dự án kinh doanh chung với PdVSA để vận dụng các hoạt động công nghệ thông tin của công ty. Tuy nhiên, theo ông Chavez, dự án chung này - tên gọi Informática hay Negociosy Tecnologia (INTESA) - có mối quan hệ với Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA).
Sau này, ông Chavez cáo buộc SAIC sử dụng INTESA là mặt trận để thực hiện hành vi gián điệp. Rafael Ramirez, Bộ trưởng Bộ Năng lượng dưới thời Chavez, từng bình luận rằng INTESA là quyết định khủng khiếp đối với Venezuela. “Đối với một quốc gia sản xuất dầu mỏ, không gì có giá trị hơn thông tin về các hợp đồng, sản lượng và năng suất của nó… Thông tin này có giá trị rất nhiều về kinh tế và cũng có giá trị về địa - chính trị nữa” - ông Ramirez nói thêm.
Sau khi ông Chavez đắc cử tổng thống vào năm 1998, Venezuela áp dụng một chính sách xăng dầu nghiêm ngặt hơn và đã tăng thuế đối với những công ty làm ăn ở nước này, khiến cho các công ty nhiên liệu như Exxon (Mỹ) phải lo lắng. Có lẽ NSA cũng đã lưu ý đến các diễn biến chính trị đang diễn ra ở Venezuela và trong suốt đợt đóng cửa dầu mỏ mang tính đối đầu vào giai đoạn 2002-2003, khi phe đối lập cánh hữu ở Venezuela tìm cách đẩy nền kinh tế nước này đến chỗ trì trệ và buộc ông Chavez rời khỏi quyền lực, hệ thống máy tính của Công ty PdVSA đã bị thiệt hại nghiêm trọng.
Biện pháp đóng cửa vừa nêu cuối cùng đã thất bại nhưng các giới chức Venezuela cáo buộc dự án INTESA liên quan đến hành vi gián điệp trên. Thực ra, sau đó, ông Chavez đã đình chỉ dự án chung INTESA, sa thải các nhân viên và ra lệnh cho công ty bàn giao không phải là lần duy nhất NSA bị tố cáo hành vi do thám kinh tế. Thông tin do Snowden tiết lộ cho thấy NSA đã do thám các cuộc tiếp xúc trên internet ở Brazil, thậm chí liên quan đến thư điện tử và các cuộc điện thoại của công nghệ tiên tiến.
Tung hoành khắp nơi
Vậy thì trường hợp INTESA có dính líu gì đến các tiết lộ gần đây về hành vi do thám của NSA đối với Brazil? Giống như Venezuela, Brazil là một cường quốc về năng lượng và tỏ ra nghi ngờ đang bị giới lãnh đạo chính trị ở Washington dòm ngó. NSA nại cớ rằng mọi cuộc tiếp xúc mà cơ quan này theo dõi đều chỉ do mối quan ngại khủng bố nhưng thông báo từ văn phòng Tổng thống Brazil Dilma Rousseff quả quyết: “Nếu các sự kiện đăng trên báo chí được xác nhận, điều đó chứng tỏ rằng động cơ cho các nỗ lực do thám của NSA không phải là vấn đề an ninh hoặc cuộc chiến chống khủng bố mà là các quyền lợi về kinh tế”.
Trang tin Bloomberg cho biết NSA đã xâm nhập mạng lưới của Công ty Năng lượng Petroleo Brasileiro (hay Petrobras) của Brazil trong lúc nước này chuẩn bị bán đấu giá quyền đấu nối vào các khu khai thác dầu mỏ lớn nhất thế giới, nằm ngoài khơi bờ biển Đại Tây Dương của mình. Các tiết lộ gần đây cho thấy NSA do thám Petrobras bằng cách xâm nhập mạng lưới máy tính công ty và nghe lén các cuộc điện thoại của giám đốc điều hành.
Rõ ràng, vị thế ngày càng tăng của Petrobras đã khiến cho các công ty dầu mỏ của Mỹ ăn không ngon ngủ không yên. Do đó, chẳng có gì lạ khi NSA thực hiện hành vi gián điệp đối với Petrobras. Hơn nữa, qua hành động xâm nhập hệ thống máy tính của Petrobras, NSA có thể đã thu thập được thông tin có giá trị về công nghệ dầu mỏ ngoài khơi vốn có thể giúp Brazil làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt kinh tế nước này. Khi NSA cung cấp thông tin tình báo thu thập được cho các công ty dầu mỏ Mỹ, các doanh nghiệp này có thể sẽ lợi dụng được bí mật công nghệ nhạy cảm của đối thủ.
Gần đây, kênh truyền hình Đức ARD trích dẫn tiết lộ của Snowden cho biết Công ty Kỹ thuật Siemens cũng là một mục tiêu của hành vi do thám kinh tế của NSA. “Người thổi còi” nhấn mạnh: “Nếu thông tin về Siemens hữu ích đối với các quyền lợi quốc gia của Mỹ - ngay cả khi nó không dính dáng gì đến an ninh quốc gia - thì NSA vẫn chộp lấy thông tin đó ngay”. Thêm vào đó, NSA cũng bị tố cáo đã lén lút kết nối vào các hệ thống được điều hành bởi Bộ Ngoại giao Pháp và Hội Viễn thông Tài chính liên ngân hàng thế giới (SWIFT) - một hợp tác xã ngân hàng quốc tế đã thực hiện nhiều giao dịch tài chính xuyên biên giới.
Canada trợ giúp NSA
Một tài liệu mật hàng đầu cho thấy Cơ quan An ninh Canada (CSEC) và NSA đã xây dựng mối quan hệ hợp tác sát sao, được mở rộng và củng cố. Theo CBC News, Canada đã lập ra những trạm do thám ngầm khắp thế giới và thực hiện hành vi gián điệp chống lại các đối tác thương mại theo đề nghị của NSA. Theo đó, Canada dính líu đến CIA trong các hoạt động theo dõi ở khoảng 20 quốc gia. CSEC chia sẻ với NSA quyền tiếp cận độc nhất vô nhị của họ vào các khu vực mà Mỹ không có khả năng xâm nhập.
Kỳ tới: Trò chơi toàn cầu
Bình luận (0)