Tại buổi hòa nhạc, cô Kim Yo-jong ngồi giữa ông Moon và Chủ tịch Quốc hội Triều Tiên Kim Yong-nam, tươi cười vỗ tay tán thưởng buổi trình diễn. Trước khi về nước, cô Kim cho biết trong chuyến đi này, cô nhận thấy giữa 2 miền Triều Tiên có nhiều điểm chung bất chấp nhiều thập kỷ chia cắt.
Những lời lẽ nồng ấm nói trên được đánh giá là nhằm khoét sâu hơn nữa sự chia rẽ giữa Mỹ và Hàn Quốc, vốn đang bất đồng về cách thức tốt nhất để loại bỏ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và cô Kim Yo-jong tại buổi hòa nhạc. Ảnh: Reuters
Cô Kim được xem là "vũ khí mới" được nhà lãnh đạo Triều Tiên triển khai tại Thế Vận hội mùa Đông năm nay để chống lại các biện pháp trừng phạt và lời đe dọa tấn công phủ đầu của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm vào chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Tại Hàn Quốc, cô Kim Yo-jong có cái bắt tay lịch sử với Tổng thống nước chủ nhà, cổ vũ nồng nhiệt một đội tuyển chung của 2 miền Triều Tiên tham gia tranh tài và cho thấy khiếu hài hước tại các cuộc gặp với giới chức địa phương cuối tuần rồi. Cô cũng chuyển lời mời ông Moon tham dự hội nghị thượng đỉnh tại Bình Nhưỡng.
Trước mắt, sự tham gia của Triều Tiên vào Olympic mùa Đông cho phép Bình Nhưỡng làm suy yếu chiến dịch gây sức ép của ông Trump, với một số biện pháp trừng phạt tạm hoãn cho đến khi sự kiện thể thao này kết thúc.
Ngoài ra, bằng cách thúc đẩy một cuộc gặp với Tổng thống Moon, nhà lãnh đạo Kim đang tìm cách củng cố những gì đã đạt được trong lúc vẫn duy trì được kho vũ khí hạt nhân để răn đe Mỹ.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và cô Kim Yo-jong vỗ tay sau khi xem một màn trình diễn tại buổi hòa nhạc. Ảnh: Reuters
Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu Mỹ và Hàn Quốc có thể tiếp tục thống nhất trong nỗ lực gây sức ép lên Triều Tiên hay không.
Các cố vấn của ông Trump đang đe dọa hành động quân sự để ngăn Triều Tiên có khả năng tấn công đại lục Mỹ bằng vũ khí hạt nhân, Tổng thống Moon tìm cách ngăn chặn nguy cơ nổ ra chiến tranh có thể tàn phá Hàn Quốc và khu vực.
Ông Andrei Lankov, chuyên gia tại Trường ĐH Kookmin (Hàn Quốc), cho rằng đề nghị tiến hành hội nghị thượng đỉnh liên Triều là một nước cờ ngoại giao khôn ngoan của Triều Tiên.
Việc ông Moon chấp nhận lời mời có thể chọc giận ông Trump. Trong khi đó, động thái từ chối sẽ khiến Hàn Quốc và Mỹ trở nên "hiếu chiến vô lý". Cũng theo ông Lankov, đề xuất trên, và sự hiện diện tại Thế vận hội mùa Đông, gửi đi tín hiệu rằng Bình Nhưỡng sẵn sàng đối thoại.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cho biết Mỹ sẵn sàng tham gia đối thoại với Triều Tiên ngay cả khi duy trì sức ép lên nước này. Ông nói thêm rằng Tổng thống Moon đã bảo đảm rằng Bình Nhưỡng sẽ chỉ nhận được những lợi ích kinh tế, ngoại giao nếu có những bước đi hướng đến phi hạt nhân hóa.
Ông Christopher Green, chuyên gia tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (Bỉ), cho rằng mục tiêu của nhà lãnh đạo Hàn Quốc là sử dụng đàm phán liên Triều để thúc đẩy Mỹ và Triều Tiên nói chuyện với nhau.
Bình luận (0)