Điều bà đang nói đến là nền dân chủ non trẻ của Myanmar, được thành hình sau khi quân đội đồng ý chuyển giao quyền lực cho chính phủ dân sự vào năm 2010.
“Đứa trẻ” này, theo bà Suu Kyi, không thể lớn nổi trong một môi trường mà các chính trị gia chăm chăm vào quyền lực bản thân hơn là quyền lợi của người dân. Điều bà Suu Kyi nói liên quan tới việc một trong những đồng minh thân cận nhất của bà là ông Shwe Mann bị hất khỏi chiếc ghế chủ tịch Đảng Liên minh Đoàn kết và phát triển cầm quyền đêm 12-8, chỉ vài tháng trước khi cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào ngày 8-11.
Ông Shwe Mann chưa từng che giấu tham vọng làm tổng thống và các nhà phân tích cho rằng chính vì vậy mà ông bị loại bỏ, bởi đương kim Tổng thống Thein Sein, với sự hậu thuẫn hùng mạnh của quân đội cũng muốn ngồi ghế này thêm nhiệm kỳ thứ hai. Thêm vào đó, ông Shwe Mann ngày càng nhích lại gần bà Suu Kyi, đồng thời ủng hộ cải cách.
Ông Shwe Mann bị đảng cầm quyền Myanmar loại bỏ
sau những nỗ lực hạn chế quyền lực của quân đội Ảnh: EPA
“Họ sẽ còn tìm cách tống ông Shwe Mann ra khỏi vị trí chủ tịch quốc hội” - một nhà ngoại giao ở Yangon nói với báo The Straits Times (Singapore). Và cách đó là thông qua dự luật cho phép luận tội một nghị sĩ nếu có 1% thành viên quốc hội ký thỉnh nguyện thư.
“Tội” của ông Shwe Mann trong lá đơn thỉnh nguyện được ký tháng trước là “thiếu tôn trọng vai trò của quân đội trong quốc hội”, do ông hồi tháng 6 vừa qua cho phép quốc hội bỏ phiếu về các dự luật để chỉnh sửa hiến pháp cũng như hạn chế quyền lực của quân đội (và đã không thành công).
“Ông ấy không còn quân bài nào nữa. Trong trường hợp bị quân đội điểm mặt thì lặng lẽ rút lui là khôn ngoan hơn cả” - ông Kyaw San Wai, chuyên gia cấp cao thuộc Trường ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore), nhận định.
Dù vậy, theo Reuters, ông Shwe Mann tạm thoát nạn khi dự luật luận tội nêu trên không được tán thành hôm 20-8, qua đó chứng tỏ sự ủng hộ dành cho ông trong quốc hội vẫn còn mạnh. Các nhà lập pháp quyết định sẽ bàn lại về dự luật tại kỳ họp sau cuộc tổng tuyển cử mà Liên minh Dân chủ quốc gia của bà Suu Kyi dự kiến chiến thắng.
Thắng thua vẫn là chuyện đường dài song qua những diễn biến kịch tính này, ông Bertil Lintner - tác giả nhiều quyển sách về Myanmar - nhận định trên trang Eurasiareview rằng quân đội Myanmar không hề có ý từ bỏ quyền lực thực sự.
Có thể nhận ra điều này thông qua quá trình cải cách của Myanmar. Theo ông Lintner, những tài liệu quân sự có từ năm 2004 lưu giữ thực trạng là Myanmar phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, đến mức có thể đã mất quyền tự quyết vào tay láng giềng phương Bắc. Giải pháp đặt ra: Tiến hành một vài cải cách và phương Tây - đặc biệt là Mỹ, vốn muốn kiềm chế Trung Quốc - chìa tay đón Myanmar quay lại cộng đồng quốc tế.
Tuy nhiên, trước thềm chuyến thăm thứ hai đến Myanmar vào cuối năm 2014, Tổng thống Mỹ Barack Obama nhận xét Myanmar không cải cách nhanh như kỳ vọng, thậm chí một số cải cách đang bị quay ngược. Ông Lintner viết: “Các nhà quan sát bắt đầu đặt câu hỏi Myanmar thực sự ngược dòng hay ngay từ đầu, họ đã có ý đồ hạn chế cải cách”.
Bình luận (0)