Vụ thử hạt nhân này cũng khiến ngọn núi gần bãi thử mất gần nửa mét độ cao và dịch chuyển khoảng 3,5m về phía Nam.
Các vụ thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên diễn ra dồn dập hồi cuối năm 2017 cùng một vụ thử hạt nhân được nước này khẳng định là mạnh chưa từng thấy. Ảnh: Flickr
Những kết luận nói trên được đưa ra trên trang Science hôm 10-5. Các nhà địa vật lý đã dùng radar vệ tinh và các công cụ tinh vi khác để đo sóng truyền trong lòng đất, từ đó tính toán độ sâu và sức mạnh của vụ nổ.
Các nhà khoa học còn cho biết những dấu hiệu tại hệ thống đường hầm dưới lòng đất của khu vực thử hạt nhân nói trên đã sụp đổ khoảng 8,5 phút sau khi quả bom thử nghiệm được kích nổ.
Trước đây, công nghệ vệ tinh – thường được gọi là hình ảnh khẩu độ radar tổng hợp, thường được dùng để lập bản đồ về sự co dãn trong lòng đất sau động đất.
Nhưng đây là lần đầu tiên nó được sử dụng để kiểm tra một bãi thử bom hạt nhân, theo ông Teng Wang – đồng tác giả của nghiên cứu và là một nhà địa vật lý tại ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore).
"Chúng ta chưa từng chứng kiến một sự dịch chuyển lớn như vậy do hoạt động của con người từ hình ảnh khẩu độ radar tổng hợp"- ông Wang cho hay.
Kể từ khi Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua Hiệp định cấm thử hạt nhân toàn diện năm 1996, có 9 vụ thử hạt nhân đã diễn ra. Sáu vụ trong số đó do Triều Tiên tiến hành, trong đó có 5 vụ tại vùng núi Mantap, phía Bắc nước này.
Tiến sĩ Wang và đội của ông đã tính toán được ngọn núi Mantap đã bị lún khoảng nửa mét sau vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều TIên hôm 3-9-2017 vốn đã kích hoạt một trận động đất với cường độ lên tới 6,3 độ. Các nhà khoa học cũng xác định được ngọn núi này đã bị dịch chuyển về phía Nam.
Ông Wang cho biết để tạo ra một sự biến chuyển lớn như vậy, quả bom được thử nghiệm đã giải phóng năng lượng tương đương 109 ngàn tới 276 ngàn tấn thuốc nổ TNT tại vị trí nằm dưới đỉnh núi Mantap khoảng 450m.
Trong khi đó, quả bom "Fat Man" từng nổ ở Nagasaki năm 1945 đã phát năng lượng tương đương 20 ngàn tấn TNT.
Bình luận (0)