Báo chí Nhật Bản đưa tin chính phủ nước này đang chuẩn bị đề nghị UNESCO công nhận các đảo Amani và Ryukyu là di sản thiên nhiên thế giới. Ngoài 2 cái tên quen thuộc này, chính quyền thành phố Ishigaki đề xuất một địa danh mới vào hồ sơ đề cử, đó là quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Lãnh đạo thành phố Ishigaki thậm chí đã vạch ra một dự thảo kế hoạch và đề nghị đưa các nhóm điều tra đến quần đảo trên để thu thập dữ liệu nhằm thuyết phục giới chức Nhật Bản và UNESCO.
Đội khảo sát của chính quyền Tokyo điều tra xung quanh quần đảo Senkaku tháng 9-2012. Ảnh: Reuters
Một mặt đổ lỗi Tokyo gây sự trước với việc quốc hữu hóa một phần quần đảo Senkaku hồi tháng 9-2012, mặt khác Tân Hoa Xã đe dọa Trung Quốc sẽ có “sự phản đối và những biện pháp đáp trả mạnh mẽ”.
Đồng thời, Thời báo Hoàn cầu cáo buộc các chính trị gia Nhật Bản đổ dầu vào lửa. Theo tờ báo này, Thị trưởng Ishigaki, ông Yoshitaka Nakayama, có quan hệ khá hữu hảo với cựu thị trưởng Tokyo Shintaro Ishihara, người đã khởi xướng kế hoạch mua quần đảo Senkaku.
Trong khi đó, Tokyo đã quyết định không công bố bằng chứng liên quan đến vụ Trung Quốc nhắm radar vào một tàu Nhật Bản hôm 30-1. “Công bố các bằng chứng sẽ gây ra rủi ro lớn về mặt quốc phòng vì như vậy giới chức quân đội Trung Quốc sẽ tiếp cận được các bí mật liên quan tới hoạt động thu thập thông tin của Lực lượng Phòng vệ bờ biển Nhật Bản (MSDF)” - một quan chức cấp cao thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản hôm 18-2 cho biết.
Một nguồn tin chính phủ Nhật cũng cho rằng việc công bố gặp “khó khăn” do các dữ liệu chứng cứ đụng chạm đến “những điều tế nhị” của an ninh nước này. Ngoài ra, sự ủng hộ ngày càng rõ nét của Mỹ cũng khiến Tokyo quyết định giữ kín bằng chứng. Theo các nguồn tin, Nhật Bản cũng sẽ không chính thức thông báo việc không công bố các chứng cứ trên để qua đó tiếp tục gây sức ép đối với Trung Quốc.
Nguồn tin Bộ Quốc phòng Nhật Bản tiết lộ hiện họ đang nắm giữ dữ liệu phân tích tần số sóng vô tuyến do tàu của MSDF nhận được từ tàu Trung Quốc, hình ảnh và cảnh quay tại thời điểm xảy ra vụ việc. Đáp lại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc Nhật Bản “tuyên truyền thông tin sai sự thật”.
Nhật - Trung tìm cách ngăn xung đột Hải quân Nhật Bản hôm 18-2 đã tổ chức một hội thảo về vấn đề Senkaku/Điếu Ngư với sự tham gia của đại diện Hải quân Trung Quốc. Theo kênh truyền hình Phụng Hoàng Hồng Kông, hội thảo này kéo dài 5 ngày và do cựu bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản Satoshi Morimoto chủ trì. Phía Trung Quốc cử đoàn đại biểu tham dự do một nữ đại tá hải quân dẫn đầu. Những sĩ quan hải quân góp mặt tại hội thảo này hầu hết mang quân hàm từ thượng tá đến thiếu tướng. Mặc dù cả Bắc Kinh lẫn Tokyo tiếp tục khẳng định chủ quyền đối với Senkaku/Điếu Ngư, Hải quân Nhật - Trung nhất trí rằng cần xây dựng cơ chế ngăn chặn xung đột quân sự trên biển Hoa Đông. Theo đại diện Hải quân Nhật Bản, từ khi nội các nước này quốc hữu hóa Senkaku/Điếu Ngư vào tháng 9-2012, Trung Quốc liên tục phái tàu xâm nhập vùng biển này. Do đó, sẽ là một điều “lý tưởng” nếu hai bên xây dựng được một cơ chế ngăn chặn xung đột quân sự ở đây.
Gia Hòa |
Bình luận (0)