Chuyện cửa hàng bán lẻ hàng hiệu Gucci ở Việt Nam bị tình nghi khai man nguồn gốc hàng để trốn thuế không phải hiếm trên thế giới. Ngay công ty cửa hàng Gucci ở Mỹ bán hàng “chính hãng” cũng từng bị phát hiện trốn thuế với những thủ đoạn tinh vi.
Đại sứ thời trang Ý tại Mỹ
Ảnh: A.P
Aldo Gucci là con trai trưởng của ông Guccio Gucci, người sáng lập Nhà Gucci ở Florence (Ý) năm 1923, tiền thân của Tập đoàn Gucci lừng danh thế giới ngày nay, chuyên sản xuất những mặt hàng thời trang cao cấp từ quần áo, đồng hồ, nữ trang, giày đến phụ kiện thời trang nam - nữ bằng da và những chất liệu sang trọng khác.
Trong 3 con trai của Guccio Gucci, Aldo là người đưa thương hiệu Gucci ra ngoài biên giới nước Ý, bắt đầu từ Mỹ. Thành lập Công ty GSI ở Mỹ năm 1953, ông mở tổng cộng 25 cửa hàng ở các thành phố Philadelphia, New York, San Francisco, Palm Beach, Chicago. Trong đó, có một cửa hàng ở Beverly Hills, nơi ông định cư từ năm 1976 cho đến khi qua đời tại Rome, thủ đô Ý năm 1990, hưởng thọ 84 tuổi.
Thập niên 1960, những cửa hàng Gucci ở Mỹ làm ăn rất phát đạt. Những người giàu có săn lùng giày, vali, túi xách, khăn choàng cổ, dây nịt, cà vạt hiệu Gucci. Những ngôi sao điện ảnh Mỹ nổi tiếng như “vua cao bồi” John Wayne hay “vua hài” Jerry Lewis luôn mang giày mọi Gucci. Công chúa Anh Margaret và đệ nhất phu nhân Philippines Imelda Marcos có cả một bộ sưu tập giày Gucci.
Tổng thống John F. Kennedy, trong một lần gặp Aldo Gucci ở Nhà Trắng, đã nói với ông: “Ông là đại sứ Ý đầu tiên ở Mỹ về thời trang”. Bà Jacqueline Kennedy, vợ ông Kennedy lúc bấy giờ, đi đâu cũng khoác trên vai một kiểu túi xách Gucci mà giờ đây nổi tiếng khắp thế giới với cái tên “Jackie O”( O là Onassis, tên người chồng Hy Lạp sau này).
Thương hiệu Gucci, biểu tượng của thời trang hiện đại, chinh phục toàn cầu bởi đồng nghĩa với chất lượng, sáng tạo và đẳng cấp thế giới. Nổi tiếng như vậy nên nhân viên cửa hàng Gucci cũng khét tiếng “chảnh” với khách hàng, nhất là cửa hàng nằm trên đại lộ số 5 New York với biệt danh “con đường mua sắm đắt đỏ nhất thế giới”. Không chỉ ở New York, bệnh “chảnh” của nhân viên còn lan tỏa tới các cửa hàng ở London, Paris, Hồng Kông, Tokyo... Tuy nhiên, đó không phải là vấn đề nghiêm trọng duy nhất của Tập đoàn Gucci ở Ý và chi nhánh GSI ở Mỹ.
Bị con ruột tố cáo
Năm 1978, GSI báo cáo đạt doanh số hơn 48 triệu USD nhưng “không có lời”. Ông Aldo lý giải rằng chi phí mở cửa hàng mới quá lớn nên “ăn hết” lợi nhuận của công ty. Sự thật không phải như vậy và người nói ra sự thật đó là Paolo Gucci, con trai của Aldo Gucci, một thành viên trong ban giám đốc GSI.
Ảnh: VANITY FAIR
Cuộc điều tra sau đó của IRS, theo đơn thưa của Paolo, đã phát hiện từ năm 1977, ông Aldo thực hiện một loạt hành vi trốn thuế, lập chứng từ giả, chuyển 11 triệu USD tiền công ty về gia đình ở Ý. Vụ án được khởi tố tại New York năm 1986.
Ngày 12-9-1986, tòa kết án ông Aldo 366 ngày tù giam và phạt 30.000 USD về tội trốn thuế 7 triệu USD. Trước khi tòa tuyên án, ông Aldo, lúc đó 81 tuổi, bật khóc, tỏ ra ăn năn hối lỗi: “Tôi rất tiếc cho những gì mà mình đã làm và tôi xin quý tòa ban cho một đặc ân. Tôi xin hứa sẽ không bao giờ để xảy ra điều này một lần nữa”.
Gây xúc động mạnh nhất trong cử tọa phiên tòa là lúc ông nói trong nước mắt: “Tôi tha thứ cho Paolo. Tôi tha thứ cho tất cả những ai muốn tôi có mặt tại đây ngày hôm nay. Một vài người trong số họ đã làm tròn bổn phận. Những người khác thỏa mãn với đòn thù này. Chỉ có Chúa mới phán xét họ”.
Cũng từ vụ án kể trên, ngày 22-1-1988, công ty Gucci Mỹ, hậu thân của GSI, buộc phải hoàn trả chính phủ Mỹ 20,5 triệu USD tiền thuế sau khi thừa nhận âm mưu trốn thuế từ năm 1972 đến 1982. Sau vụ xì-căng-đan này, Tập đoàn Gucci có phần nào sa sút. Hiện nay, Gucci trở thành chi nhánh của PPR (Pinault-Printemps-Redoute), công ty bán lẻ hàng đa quốc gia Pháp. Tuy vậy, Gucci vẫn là một trong những thương hiệu hàng đầu thế giới được mọi người yêu thích.
Kỳ tới: Vụ án Dolce & Gabbana
Bình luận (0)