Thảm họa hiến pháp
Chẳng hạn như cuộc thăm dò của nhật báo The Wall Street Journal và kênh TV NBC News ngày 4-11 ghi nhận ông Obama dẫn trước đối thủ Romney với tỉ lệ sít sao 48%-47% trong cuộc thăm dò ý kiến 1.475 người. Nói cách khác, dù ai đắc cử thì cũng không có kẻ thắng người thua. Nước Mỹ giờ đây đã chia thành hai phe bảo thủ và cấp tiến rõ rệt, ngang ngửa nhau.
Obama (trái) và Romney, hai gương mặt đối lập của nước Mỹ. Ảnh: INTERNET
Do kết quả chiến dịch bầu cử không rõ ràng, hai tờ báo được coi có uy tín nhất ở Mỹ là tuần báo Time và nhật báo The New York Times đã đề cập đến khả năng xảy ra tình cảnh hỗn độn như đã từng xảy ra trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2000, năm ông George W. Bush đắc cử tổng thống, thậm chí một tình huống khó tin nhưng có thể có thật là ông Mitt Romney làm tổng thống, còn ông Joe Biden làm phó tổng thống.
Hôm nay, 6-11, cử tri Mỹ sẽ đi bầu tổng thống Mỹ thứ 45 nhưng trên thực tế là chọn 538 đại cử tri thay mặt họ để chính thức bầu chọn tổng thống và phó tổng thống. Hệ thống bầu cử gián tiếp này là một đặc sản của nước Mỹ tồn tại từ năm 1804 chiếu theo điều luật 12 sửa đổi của hiến pháp Mỹ.
Con số 538 đại cử tri (trong đó có 3 đại cử tri của hạt Colombia bao gồm thủ đô Washington không có quyền bầu như nghị sĩ) đại diện cho 50 bang Mỹ ngang với số đại biểu quốc hội (100 thượng nghị sĩ và 435 hạ nghị sĩ). Số lượng đại cử tri của mỗi bang nhiều ít tùy theo dân số. Chiến thắng ở bang nào ứng cử viên sẽ chiếm trọn số đại cử tri bang đó theo phương thức “được ăn cả, ngã về không”. Ứng cử viên nào có được 270 đại cử tri sẽ đắc cử bất chấp số phiếu bầu phổ thông.
Thế nên, đã từng xảy ra tình huống tréo ngoe hồi năm 2000. Lúc đó, ông Al Gore, ứng cử viên Đảng Dân chủ, được cử tri tín nhiệm với số phiếu 50.996.582 nhưng ông George W. Bush, ứng cử viên Cộng hòa có số phiếu ít hơn (50.456.062) lại đắc cử tổng thống nhờ có được 271 phiếu đại cử tri, còn ông Al Gore chỉ được 266 phiếu đại cử tri.
Trước đó, cũng có hai trường hợp như vậy. Ông Rutherford B.Hayes năm 1876 và ông Benjamin Harrison năm 1888. Hai ông này thắng nhờ đạt phiếu đại cử tri trong khi số phiếu bầu phổ thông thấp hơn đối thủ. Theo nhà phân tích chính trị Charlie Cook, trong lịch sử 56 lần bầu cử tổng thống Mỹ, chỉ có 3 trường hợp kỳ quặc như vậy.
Cũng có trường hợp kỳ lạ hơn là đảng này giữ ghế tổng thống còn đảng đối lập giữ ghế phó tổng thống như đã từng xảy ra năm 1796. Lúc đó, ông John Adams, ứng cử viên Đảng Liên bang, đắc cử tổng thống nhờ có được 71 phiếu đại cử tri. Trong khi đó, ông Thomas Jefferson, ứng cử viên Đảng Dân chủ - Cộng hòa đối lập, đắc cử phó tổng thống vì chỉ được 68 phiếu đại cử tri. Khỏi phải nói, trong suốt nhiệm kỳ, ông Jefferson dành hầu hết thời giờ đóng vai “kỳ đà cản mũi” tổng thống Adams khiến chính phủ Mỹ hoạt động không hiệu quả.
Để tránh thảm họa nói trên, hiến pháp Mỹ được bổ sung điều luật 12 sửa đổi quy định tổng thống và phó tổng thống phải thuộc cùng một đảng. Trong 207 năm qua, cơ chế này đã hoạt động suôn sẻ.
Chiếc áo thun in dòng chữ nước Mỹ chia rẽ đã được rao bán trên mạng Zazzle với giá 18,95 USD. Ảnh: ZAZZLE
Đồng sàng dị mộng
Thế nhưng, cuộc bầu cứ tổng thống năm nay vẫn có nguy cơ tái lập “thảm họa hiến pháp” do hai ứng cử viên Obama và Romney thuộc dạng “kẻ tám lạng, người nửa cân”. Đó là trường hợp cả hai ứng cử viên có cùng 269 phiếu đại cử tri. Nate Silver, chuyên gia về thống kê và thăm dò ý kiến cử tri, cho biết năm nay có 0,4% xảy ra khả năng này.
Nếu điều đó xảy ra, nhiệm vụ bầu chọn tổng thống sẽ do hạ viện đảm nhiệm, còn thượng viện sẽ bầu phó tổng thống. Năm nay, có nhiều khả năng ông Romney được bầu làm tổng thống vì Đảng Cộng hòa hiện chiếm đa số ghế tại hạ viện, còn ông Joe Biden được bầu làm phó tổng thống bởi Đảng Dân chủ chiếm thế thượng phong ở thượng viện.
Lúc đó nước Mỹ sẽ ra sao? Chắc chắn chính trường Mỹ sẽ bị tê liệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế số một thế giới vốn đang phục hồi hết sức chậm chạp. Cuộc đấu tranh giữa Nhà Trắng và hạ viện sẽ rất quyết liệt về ngân sách mà các chuyên gia gọi là “bức tường ngân sách”.
Ý thức được nguy cơ đó, cả hai ê-kíp Obama và Romney đã thuê các chuyên gia luật pháp giỏi nhất chuẩn bị sách lược đối phó với tình huống hy hữu nhưng có thể xảy ra nói trên sau bầu cử.
Bình luận (0)