Sau khi tậu một căn nhà nguy nga bên ngoài TP Los Angeles, bang California - Mỹ, cô Elise Ingram và chồng quyết định lắp đặt một bể cá có thể tích gần 1.900 lít để nuôi... một con cá mập báo cùng một con cá mập mắt trắng. Cả hai con dài khoảng 61 cm, bên cạnh 3 con cá đuối và một vài con cá đuôi gai vàng.
Thể hiện quyền uy
Tuy nhiên, mọi chuyện không diễn ra như ý muốn. Con cá mập mắt trắng lập tức vẫy vùng điên loạn ngay khi được đưa vào bể để "thoát ra ngoài", buộc cô Ingram phải gọi người đưa nó đi. Sau khi đưa nó vào bể trở lại, cô Ingram tắt hệ thống điều hòa trước khi rời khỏi nhà và khi cô quay về, con cá mập đã chết.
"Dường như cá mập không thích nước nóng. Tôi không biết là chúng lại nhạy cảm với nhiệt độ đến thế" - cô Ingram nói và cho biết quyết định mua thêm 2 con cá mập báo nhưng chúng cũng chết không lâu sau đó. Người phụ nữ này khẳng định sẽ lắp đặt hệ thống kiểm soát nhiệt độ tốt hơn cho bể cá chứ nhất quyết không từ bỏ sở thích.
Một ngôi nhà “sang chảnh” với bể nuôi cá mập ở TP Los Angeles - Mỹ Ảnh: THE WALL STREET JOURNAL
Cá mập đã trở thành một trong những thú cưng "không thể thiếu" của giới nhà giàu ở Mỹ, bất chấp việc chăm sóc chúng rất phức tạp và tốn kém. Bể cá tính riêng có thể ngốn từ 15.000 USD đến 1 triệu USD, theo ông Brett Raymer, nhà đồng sáng lập Công ty Sản xuất Bể cá Acrylic (Mỹ). Đó là chưa kể đến hàng ngàn USD tiền mua mồi và bảo dưỡng bể cá hằng tháng.
Cũng theo ông Raymer, một con cá mập thông thường có giá từ vài trăm đến vài ngàn USD và luật pháp không cấm sở hữu chúng, loại trừ một số loài được bảo vệ như cá mập trắng.
Nói về lý do cá mập khiến giới nhà giàu "phát cuồng", chủ Công ty Bể cá và San hô độc đáo Manhattan (Mỹ) Joe Caparatta cho biết việc sở hữu cá mập được xem là "hành động thể hiện quyền uy".
"Cá mập là loài săn mồi đáng sợ nhất đại dương. Việc nuôi cá mập làm thú cưng thể hiện bạn "trên cơ" chúng" - ông Caparatta giải thích.
Cũng không ít người, chẳng hạn đại gia bất động sản Ario Fakheri ở TP Los Angeles - Mỹ, thích nuôi cá mập vì cho rằng chúng là "một trong những loài vật quyến rũ nhất".
Ông Fakheri tiết lộ ông yêu cá mập từ ngày còn nhỏ, sau khi xem loạt phim kinh dị nổi tiếng "Hàm cá mập" và khẳng định chính sự nguy hiểm đã làm tăng thêm độ hấp dẫn cho loài vật săn mồi máu lạnh này.
"Ngôi sao" cự đà Nam Mỹ
Cá mập không phải là loài vật độc lạ duy nhất được chọn làm thú cưng. Quán Cà phê Bò sát tại thủ đô Phnom Penh - Campuchia đang nhận được nhiều chú ý nhờ sự xuất hiện của những loài vật độc đáo. Khách hàng đến quán có thể nhấm nháp cà phê cùng những loại thức uống phổ biến khác trong khi ngắm nhìn, hay thậm chí là vuốt ve gần 20 loài động vật như cự đà Nam Mỹ, rùa, rắn, trăn, nhện, bọ cạp, gián đỏ khổng lồ…
Quán cà phê này chỉ mới hoạt động vài tháng và toàn bộ loài vật tại đây đều được nhập từ Thái Lan. Trong đó, theo tiết lộ của chủ quán Chea Raty (32 tuổi), cự đà Nam Mỹ chính là "ngôi sao" được yêu thích nhất. Không chỉ riêng ở Campuchia, loài vật nhiệt đới này đã trở thành một trong những "thú cưng" độc lạ phổ biến nhất thế giới trong vài năm trở lại đây. "Tuy sở hữu ngoại hình có phần đáng sợ nhưng cự đà Nam Mỹ lại "ăn chay" và rất thích được vuốt ve" - ông Raty chia sẻ.
Thằn lằn Tegu đen trắng đang xâm lấn mạnh mẽ bang Florida - Mỹ Ảnh: REUTERS
Sau vài tháng mở quán Cà phê Bò sát, Raty nhận thấy sự thay đổi rõ rệt trong cái nhìn của khách hàng. Thoạt đầu, họ khá e dè khi tiếp xúc với những loài vật ít gặp này nhưng sau đó lại yêu thích chúng. "Nụ cười của họ nói lên tất cả. Cảm giác mà chỉ những người yêu thích động vật mới cảm nhận được" - ông Raty nói với tờ The Phnom Penh Post.
Tuy nhiên, trào lưu nuôi động vật lạ làm thú cưng cũng có mặt trái. Thằn lằn Tegu, loài bò sát Nam Mỹ được đưa đến Mỹ làm thú cưng, đang sinh sôi tràn lan tại bang Florida sau khi bị chủ vứt bỏ hoặc sổng chuồng. Với cái đuôi và bộ hàm chắc khỏe để tự vệ và săn mồi, thằn lằn Tegu là loài ăn tạp có thể sống tốt ở nhiều môi trường khác nhau. Giới chức động vật hoang dã cho biết chúng ăn trứng cá sấu và các loài chim làm tổ dưới đất. Ngoài ra, loài bò sát này cũng rất thích ăn côn trùng, trái cây và các loài chim.
Theo báo cáo khoa học được công bố vào tháng 7 trên Tạp chí Nature (Anh), loài bò sát nói trên có thể sẽ sớm xâm lấn khắp miền Nam nước Mỹ. "Chúng ta không thể biết chính xác điều gì sẽ xảy ra hay cuộc xâm lấn này sẽ nghiêm trọng đến mức nào" - ông Lee Fitzgerald, chuyên gia Trường ĐH Texas A&M (Mỹ), nhận định. Cũng theo ông Fitzgerald, phải mất nhiều năm để thằn lằn Tegu đạt kích thước trưởng thành, với chiều dài lên đến 1,2 m.
Hiện tại, giới chức Florida đang thực hiện một số biện pháp ngăn chặn sự bùng nổ dân số của thằn lằn Tegu. Ở những vùng đất tư, người dân Florida được phép giết chúng một cách nhân đạo.
Ở những vùng đất công, bang Florida đang nỗ lực bắt loài vật ăn tạp này bằng bẫy. "Điều quan trọng nhất mà người dân có thể làm để ngăn chặn sự xâm lấn của những loài không phải bản địa như thằn lằn Tegu là đừng bao giờ thả chúng vào tự nhiên. Đừng để chúng sổng ra ngoài" - chuyên gia Jamie Rager, đến từ Ủy ban Bảo tồn cá và động vật hoang dã bang Florida, nhắc nhở.
Bình luận (0)