Dư luận chính trường Mỹ không bất ngờ khi Tổng thống Barack Obama chấp nhận đơn xin từ chức của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Chuck Hagel hôm 24-11, đồng thời tuyên bố đây là thời điểm thích hợp để ông chủ Lầu Năm Góc ra đi.
Không đáp ứng mong đợi
Đưa tin về sự kiện trên, báo The New York Times trích dẫn các nguồn tin trong chính quyền Mỹ khẳng định: Tổng thống Obama quyết định yêu cầu bộ trưởng Bộ Quốc phòng từ chức hôm 21-11 sau một loạt cuộc gặp mặt trong vòng 2 tuần qua.
Do đó, theo giới phân tích chính trị trên Reuters, về bản chất ông Hagel bị sa thải, giữa lúc chính sách đối phó với nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng do ông đưa ra gần đây được cho là không đáp ứng mong đợi của Tổng thống Obama và dư luận ngày càng lo ngại Washington thiếu chiến lược rõ ràng để đánh bại IS.
Theo báo New York Daily News, ông chủ Nhà Trắng bác bỏ nhận định ông Hagel từ chức là do động cơ chính trị. Theo tổng thống Mỹ, chính ông Hagel muốn ra đi và quyết định của ông có từ cách đây 1 tháng. Ngoài ra, ông Obama khẳng định dù có những quan điểm chính trị khác nhau nhưng giữa 2 người rất hòa thuận. “Trong gần 2 năm làm việc, ông Hagel đã trở thành người bạn thực sự của tôi” - tổng thống Mỹ bày tỏ.
Trong khi đó, theo báo The Washington Post, Tổng thống Obama chọn ông Hagel vào vị trí bộ trưởng Bộ Quốc phòng vì muốn có một người “ngoan ngoãn” thi hành chính sách của Nhà Trắng, tránh tranh luận và không đề xuất những ý tưởng lớn mang tính quyết định. Trớ trêu là ông Hagel ra đi vì đã trở thành một bộ trưởng Bộ Quốc phòng đúng như vậy.
Tờ báo đánh giá ông Hagel không phạm phải sai lầm to lớn nào, cũng không mất niềm tin của quân đội. Thế nhưng, các quan chức cao cấp Nhà Trắng cho rằng ông đã thường “quá tôn trọng” các tướng lĩnh tại các cuộc họp chiến lược ở Nhà Trắng, đặc biệt là những cuộc họp bàn về chiến lược chống IS.
“Ông Hagel đã cố gắng đóng vai trò ở hậu trường trong các vấn đề gai góc - chẳng hạn như cắt giảm ngân sách quốc phòng, cưỡng bức tình dục trong quân đội, kết thúc cuộc chiến Afghanistan” - ông Vikram Singh, cựu quan chức cao cấp Nhà Trắng và hiện là Phó Chủ tịch Trung tâm Tiến bộ Mỹ, nhận xét.
Không thay đổi
Sự ra đi của ông Hagel ít có khả năng dẫn đến những đổi thay lớn trong chính sách của Mỹ đối với Iraq, Syria và Afghanistan. Reuters dẫn lời một quan chức Quốc phòng Mỹ cho hay Lầu Năm Góc vẫn duy trì Sáng kiến đổi mới quốc phòng được ông Hagel công bố ở bang California hôm 15-11. Đây là nỗ lực định hình và phát triển những vũ khí mới nhằm giữ vững vị trí thống trị của Mỹ về quân sự trước các đối thủ tiềm năng như Nga và Trung Quốc.
Dù vậy, “loại bỏ” ông Hagel có thể là dấu hiệu cho thấy Tổng thống Obama sẽ cải tổ sâu rộng bộ máy an ninh quốc gia. Kể từ thất bại của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ, ông Obama đang quyết liệt hơn bao giờ hết để đạt được các mục đích của mình trong 2 năm còn lại của nhiệm kỳ, thể hiện qua việc bỏ ngoài tai sự phản đối của Đảng Cộng hòa trong các vấn đề đạo luật chăm sóc y tế (Obamacare), dự án đường ống dẫn dầu Keystone, ký thỏa thuận cắt giảm khí thải với Bắc Kinh, cải tổ hệ thống nhập cư và gần đây nhất là tiếp tục chuyển nghi phạm ra khỏi nhà tù Guantanamo.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu gia đình Jerry Boykin nhấn mạnh: “Một khi rời khỏi chức vụ, ông Hagel cần công khai nói về tác động của các chính sách của Tổng thống Obama đối với tính sẵn sàng chiến đấu của quân đội cũng như chính sách đối ngoại đầy khinh suất của tổng thống”.
Theo trang Sputnik News, ông Hagel vào tháng rồi từng chỉ trích chiến lược của Mỹ trong cuộc chiến chống IS và trong mối quan hệ với chế độ Syria.
Sẽ có nữ bộ trưởng quốc phòng đầu tiên?
Đài ABC News đã liệt kê 3 ứng viên hàng đầu thay thế ông Chuck Hagel, gồm bà Michele Flournoy, cựu thứ trưởng quốc phòng phụ trách về chính sách; Ashton Carter, cựu thứ trưởng quốc phòng; Jack Reed, thượng nghị sĩ Dân chủ bang Rhode.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest tuyên bố bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ kế tiếp phải được chuẩn bị tốt hơn để đối mặt với những mối đe dọa quốc tế hiện nay. Ông Earnest khẳng định: “Những ưu tiên tại Bộ Quốc phòng hay của bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ đã thay đổi do tình hình quốc tế đã thay đổi. Điều đó không có nghĩa là ông Hagel làm không tốt nhưng vị bộ trưởng mới phải thích hợp hơn để đối mặt với những thách thức này”.
Bình luận (0)