Đó là nhận định của chuyên gia Elena Duggar thuộc Tập đoàn Moody’s (Mỹ) sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 29-11 cảnh báo Omicron tiềm ẩn rủi ro rất cao đối với thế giới. Cũng theo bà Duggar, biến thể trên nhiều khả năng tác động tiêu cực đến nhu cầu chi tiêu trong mùa lễ và mua sắm cuối năm.
Đánh giá bi quan trên được đưa ra trong bối cảnh danh sách các nước đóng cửa biên giới vì Omicron ngày càng dài, đe dọa đến triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu từ đại dịch Covid-19.
Chuyên gia Duggar khẳng định với Reuters rằng kinh nghiệm từ những biến thể trước đây cho thấy lệnh hạn chế di chuyển quốc tế khó có thể ngăn Omicron lây lan.
Trong trường hợp biến thể này gây ra một làn sóng lây nhiễm mới, theo bà Duggar, bị ảnh hưởng nặng nề nhất sẽ là những nền kinh tế có tỉ lệ tiêm chủng thấp, phụ thuộc vào du lịch và không đủ khả năng hỗ trợ về tài chính và tiền tệ để bù đắp tác động của làn sóng lây nhiễm mới đối với tăng trưởng.
Người dân khử khuẩn trước khi vào một cửa hàng ở thủ đô Tokyo hôm 30-11, thời điểm lệnh cấm người nước ngoài nhập cảnh Nhật Bản vì biến thể Omicron bắt đầu có hiệu lựcẢnh: REUTERS
Ngoài ra, ngay cả nền kinh tế hàng đầu thế giới nhiều khả năng cũng không thoát khỏi tác động của Omicron, theo cảnh báo của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell hôm 30-11.
Ông Powell cho rằng sự xuất hiện của Omicron cùng với sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19 gần đây đang gây ra rủi ro đối với thị trường lao động, hoạt động kinh tế trong lúc làm tăng bất ổn liên quan đến lạm phát gia tăng tại Mỹ.
Cũng theo chủ tịch FED, nỗi lo gia tăng về biến thể Omicron có thể khiến người lao động ngần ngại làm việc trực tiếp, từ đó cản trở đà phục hồi của thị trường lao động và làm gián đoạn hơn nữa các chuỗi cung ứng.
Tỏ ra lạc quan hơn, Tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch Ratings (Mỹ) khẳng định hiện vẫn còn quá sớm để đánh giá tác động của Omicron đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu, bởi mức độ nguy hiểm và khả năng lây nhiễm của biến thể này vẫn là một ẩn số.
Một số chuyên gia thậm chí nhận định với báo The Financial Times (Anh) rằng tác động của Omicron đối với kinh tế toàn cầu là không lớn. Ông Paul Donovan, nhà kinh tế trưởng của Công ty UBS Global Wealth Management (Thụy Sĩ), khẳng định ngành du lịch ở một số nơi có thể bị ảnh hưởng nặng nề song du lịch thường chỉ chiếm một phần nhỏ trong hoạt động kinh tế chung. Omicron nhiều khả năng không làm thay đổi bức tranh kinh tế tổng thể ở giai đoạn này, ông Donovan nói thêm.
Cùng quan điểm, chuyên gia Holger Schmieding của Ngân hàng Berenberg (Đức) cho rằng tác động kinh tế của Covid-19 đã suy giảm sau mỗi đợt dịch. Ông Schmieding chỉ ra rằng làn sóng lây nhiễm thứ nhất khiến hoạt động kinh tế trong khu vực đồng euro giảm đến 15% trong quý II/2020.
Tuy nhiên, ở làn sóng lây nhiễm thứ 2 nghiêm trọng hơn vào đầu năm 2021, GDP của khu vực này chỉ sụt giảm 0,7%. Còn theo một số chuyên gia khác, những bất ổn do Omicron gây ra nhiều khả năng thúc đẩy các ngân hàng trung ương, đặc biệt là FED và Ngân hàng Trung ương Anh, chờ đợi thêm một thời gian nữa trước khi quyết định liệu có cần thắt chặt chính sách tiền tệ hay không.
Bình luận (0)