Hãng tin Tass dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov: “Không, điều đó không đúng”.
Trước đó, báo The Financial Times trích các nguồn tin tình báo phương Tây nói giám đốc cơ quan tình báo quân đội GRU của Nga, tướng Igor Sergun, đã đến Damascus hồi cuối năm 2015, mang theo thông điệp của ông Putin: Điện Kremlin tin rằng đã đến lúc ông Assad từ chức.
Sứ mệnh của tướng Sergun được thực hiện chỉ vài tuần trước khi ông qua đời vào ngày 3-1 vừa qua. Tuy nhiên, ông Assad bác bỏ một cách giận dữ và nói thẳng thừng với ông Sergun rằng Nga sẽ chẳng có tương lai nào ở Syria trừ khi ông vẫn làm tổng thống.
Ông Assad cũng không phải là tay mơ. Khi bắt tay với Moscow, tổng thống Syria sử dụng chiến lược để các cường quốc chế ngự lẫn nhau. Trong trường hợp này, lá bài chủ của ông Assad chính là Iran. Nhiều tháng nay, Nga luôn lo lắng trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Tehran trong khu vực.
Ngoài ra, ông Assad luôn để mắt dè chừng và nhổ bỏ bất cứ nhân vật trong nước nào có khả năng thế chỗ mình. Sự biến mất của ông Abdel Aziz al-Khair, một tiếng nói chống đối trong chính cộng đồng người Alawite mà ông Assad là thành viên, là ví dụ điển hình.
Ông Joshua Landis, chuyên gia về Syria của Trường ĐH Oklahoma (Mỹ), cho hay ông Khair từng đến Moscow năm 2012 rồi bay tiếp tới Bắc Kinh. Kết quả, vừa về tới sân bay ở Damascus, ông này đã bị nhân viên an ninh đưa đi mất dạng. “Đó là dấu hiệu cho thấy ông Assad sẽ không để Nga chọn tổng thống tiếp theo cho Syria” – ông Landis nhấn mạnh.
Theo nhiều quan chức tình báo cấp cao của phương Tây, sự can thiệp quân sự của Nga vào Syria đã đến giới hạn và ông Putin bắt đầu tính đến chế độ Damascus. Nhiều chuyên gia đối ngoại lưu ý mục đích chính của chiến dịch của Nga ở Syria là củng cố vị thế trên trường quốc tế.
Ông Dmitri Trenin, người đứng đầu Trung tâm Carnegie Moscow, nói rõ: “Với ông Putin, Nga can thiệp vào Syria không phải để giữ quyền lực cho ông Assad. Nga muốn cho người Mỹ thấy vai trò then chốt của Nga trong việc bình ổn xung đột. Tuy nhiên, làm một cuộc đảo chính ở Syria lúc này có vẻ không chín chắn”.
Số phận của ông Assad là một trong những bất đồng chính của bất cứ cuộc đàm phán hòa bình nào về Syria. Cuộc đàm phán tiếp theo tại Geneva – Thụy Sĩ chưa chắc diễn ra vào đúng ngày 25-1 như kế hoạch, một phần vì tranh cãi quanh chuyện ai sẽ đại diện phe đối lập Syria để tham gia.
Trong khi chính phủ Syria tuyên bố sẵn sàng có mặt ở Geneva thì nhóm đối lập do Ả Rập Saudi hôm 22-1 tuyên bố không đàm phán – kể cả thảo luận trực tiếp với Damascus – cho đến khi Nga dừng không kích.
Nhóm này mang tên Ủy ban Đàm phán cấp cao (HNC), được thành lập sau cuộc đàm phán ở Ả Rập Saudi hồi tháng trước và quy tụ các nhóm chính trị lẫn vũ trang chống ông Assad.
Nga xem HNC là cách mà Ả Rập Saudi dùng để quyết định ai đại diện phe đối lập Syria. HNC cũng phản đối ý định của Nga về việc cho lực lượng người Kurd ở Syria tham gia phái đoàn đối lập Syria.
Cảnh hoang tàn ở Douma - Syria vào đầu tháng 1-2016. Ảnh: Telegraph
Bình luận (0)