Thông báo đánh thuế 10% lên thêm 300 tỉ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 1-8 cho thấy nhà lãnh đạo này đang ngày càng mất kiên nhẫn trong việc tìm kiếm một thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh. Theo trang Bloomberg, bước đi này cũng cho thấy ông Trump sẵn sàng chấp nhận tác động tiêu cực đối với nền kinh tế và người tiêu dùng Mỹ với mong muốn phá vỡ bế tắc hiện nay với Trung Quốc. Nhà lãnh đạo Mỹ nói thêm sẵn sàng tăng mức thuế trên lên mức 25% hoặc cao hơn nếu đàm phán thương mại tiến triển chậm chạp.
Đằng sau quyết định áp thuế mới nhất là quan điểm Trung Quốc đang tìm cách "câu giờ" giữa lúc cuộc bầu cử Mỹ năm 2020 ngày càng đến gần. Quan điểm này càng được củng cố sau cuộc đàm phán thương mại mới nhất giữa quan chức hai nước tại TP Thượng Hải - Trung Quốc trong 2 ngày 30 và 31-7. Tại cuộc gặp này, theo một số nguồn tin, phía Trung Quốc không đưa ra đề nghị nào mới và nhấn mạnh sẽ không thực hiện bất kỳ cam kết nào cho đến khi các biện pháp thuế quan được dỡ bỏ.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (phải) tiếp các quan chức Mỹ tại cuộc đàm phán thương mại ở TP Thượng Hải hôm 31-7. Ảnh: Reuters
Rốt cuộc thì vòng đàm phán mới nhất đã khép lại mà không đạt được tiến triển nào dù hai bên lên kế hoạch tiếp tục gặp nhau tại thủ đô Washington - Mỹ trong tháng 9. Trong lúc Mỹ phàn nàn về việc Trung Quốc không tăng cường mua nông sản nước này, Bắc Kinh lại đang thúc ép Washington nới lỏng những hạn chế nhằm vào Tập đoàn Thiết bị viễn thông Huawei như đã hứa.
Phản ứng ban đầu của Bắc Kinh đối với biện pháp thuế quan nói trên, dự kiến bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-9, cho thấy chiến thuật gây sức ép của ông chủ Nhà Trắng có thể không hiệu quả như kỳ vọng. Theo Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 2-8 tuyên bố Bắc Kinh sẽ phải có biện pháp trả đũa nếu Mỹ tiếp tục đánh thuế lên hàng hóa Trung Quốc. Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho rằng áp thuế không phải là động thái mang tính xây dựng để giải quyết bất đồng kinh tế và thương mại.
Ngoài ra, theo một số chuyên gia, Trung Quốc dường như đã quyết định họ có thể kéo dài thời gian trong cuộc đối đầu thương mại với Mỹ trong lúc vẫn chống chọi được những tác động kinh tế từ nó. Ông Damien Ma, chuyên gia tại Viện Paulson (Mỹ), cho rằng giới chức Trung Quốc đã chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất, sẵn sàng đối phó với đòn thuế mới từ Mỹ và nguy cơ kinh tế tăng trưởng chậm hơn nữa.
Trong khi đó, kinh tế Mỹ ít nhiều cũng bị vạ lây bởi thương chiến ngay cả khi ông Trump thường xuyên tuyên bố Bắc Kinh mới là bên phải chi trả cho các khoản thuế áp đặt lên hàng nhập khẩu Trung Quốc. Số liệu mới nhất của Viện Quản lý cung ứng (Mỹ) cho thấy lĩnh vực sản xuất tại nước này trong tháng 7 tiếp tục sụt giảm.
Trong khi đó, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Mỹ phàn nàn rằng chính họ mới đang phải "trả giá" cho chính sách của ông chủ Nhà Trắng. Theo một số nhà phân tích, biện pháp thuế quan của ông Trump không thúc đẩy công ty Mỹ đưa hoạt động sản xuất về nước như kỳ vọng. Thay vào đó, nó chỉ khiến không ít doanh nghiệp Mỹ bị sụt giảm lợi nhuận, giá sản phẩm tăng và chuỗi ưng ứng chuyển từ Trung Quốc sang những nước như Mexico.
Giờ đây, theo Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung Quốc (USCBC), biện pháp thuế quan mới nhất của ông Trump không giúp ích cho nỗ lực đạt thỏa thuận thương mại giữa Washington và Bắc Kinh mà chỉ gây ra thêm thách thức. Ngoài ra, một số chuyên gia nhận định thuế mới có thể buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cắt giảm lãi suất để bảo vệ nền kinh tế từ những rủi ro liên quan đến chính sách thương mại. Chưa hết, đã xuất hiện cảnh báo nền kinh tế toàn cầu có thể "trúng đòn" giữa lúc tăng trưởng đang chậm lại tại Mỹ, Trung Quốc và khu vực đồng euro.
Bình luận (0)