Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 25-1 cho biết sẽ xem xét lại việc tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nay là Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), nếu có một thỏa thuận tốt hơn cho nước này.
Thông điệp quen thuộc
Trả lời phỏng vấn đài CNBC bên lề hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại thị trấn Davos - Thụy Sĩ, ông chủ Nhà Trắng nhận định những gì Mỹ đạt được khi đàm phán về TPP là "thỏa thuận tồi", lập lại những chỉ trích đưa ra khi còn tranh cử. Ngay sau khi nhậm chức, ông Trump đã ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi TPP trong động thái biểu tượng bởi quốc hội nước này vẫn chưa phê chuẩn hiệp định.
Bất chấp Mỹ "dứt áo" ra đi, 11 thành viên còn lại duy trì TPP trước khi đổi tên thành CPTPP hồi tháng 11-2017. Ngay trước cuộc phỏng vấn trên, các thành viên của CPTPP thông báo đã nhất trí về dự thảo cuối cùng và dự kiến ký kết hiệp định tại Chile vào tháng 3 tới. Chính phủ Nhật Bản hôm 26-1 cho biết phát biểu mới nhất của ông Trump về TPP sẽ không ảnh hưởng gì đến ưu tiên đưa CPTPP vào thực thi sớm nhất là trong năm 2019.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hội nghị thường niên WEF hôm 26-1 Ảnh: REUTERS
Đài CNBC nhận định có lẽ đã quá muộn để ông Trump nghĩ về chuyện tái định hình TPP. Dù vậy, theo trang The Hill, sự đổi ý nói trên cũng khiến không ít người ngạc nhiên bởi nhà lãnh đạo Mỹ không hề che giấu sự ưu ái dành cho các thỏa thuận song phương và bảo hộ thương mại, thể hiện phần nào qua chính sách "nước Mỹ trên hết" được ông quảng bá trong bài phát biểu đầu tiên tại hội nghị WEF hôm 26-1.
Trước các nhà lãnh đạo chính trị, doanh nghiệp và nhân vật nổi tiếng, theo Reuters, ông Trump đã thúc đẩy các biện pháp cắt giảm thuế, bãi bỏ bớt quy định và chính sách thương mại của mình. Ngoài ra, ông Trump cảnh báo chính quyền mình sẽ không dung thứ cho hành vi đánh cắp tài sản trí tuệ và lạm dụng thương mại. Tóm lại, thông điệp được ông chủ Nhà Trắng đưa ra trong bài phát biểu cũng không khác gì những chuyến đi ra nước ngoài trước đó: Mỹ muốn có mối quan hệ mạnh mẽ với các đồng minh nhưng quyết tâm giảm bớt thâm hụt thương mại với nhiều nước trong số này.
Châu Âu lo ngại
Bài phát biểu trên diễn ra trong ngày cuối cùng của hội nghị WEF, nơi các đại biểu lắng nghe không ít chỉ trích, cả công khai lẫn kín đáo, nhằm vào chính sách "nước Mỹ trên hết". Trước khi ông Trump đăng đàn, một số nhà lãnh đạo châu Âu đã cảnh báo về những nguy hiểm của chủ nghĩa dân tộc, biệt lập và bảo hộ. Dù không nêu đích danh ông Trump, nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel trong bài phát biểu hôm 24-1 nhắc lại những gì xảy ra trước khi bùng nổ 2 cuộc thế chiến trong thế kỷ XX và thắc mắc liệu các nhà lãnh đạo có rút ra được bài học nào hay không.
Mạnh mẽ không kém, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi Liên minh châu Âu cải tổ trong năm nay và soạn thảo một "kế hoạch chiến lược 10 năm" để cạnh tranh với Mỹ và Trung Quốc.
Lúc này, nhiều nước châu Âu đang lo rằng năm 2018 có thể chứng kiến ông Trump chuyển từ đe dọa thành hành động liên quan đến vấn đề thương mại. Ông chủ Nhà Trắng đang cân nhắc các biện pháp đánh thuế trừng phạt lên thép, cũng như đe dọa chấm dứt Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ với Canada và Mexico. Mới đây, tổng thống Mỹ quyết định đánh thuế 30% lên pin mặt trời nhập khẩu - là một phần những biện pháp hạn chế thương mại đơn phương đầu tiên dưới thời chính quyền Mỹ hiện nay.
Trước đó, ngay khi đặt chân đến Davos hôm 25-1, ông Trump đã gây ấn tượng tức thì khi "cải chính" những lời lẽ của Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, theo đó đồng USD yếu có lợi cho thương mại Mỹ. Trả lời CNBC, nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định ông ủng hộ một đồng USD mạnh và dự báo đồng tiền này sẽ tăng giá. Mối bận tâm chính của ông là thuyết phục các lãnh đạo doanh nghiệp tăng cường đầu tư ở Mỹ. Mục tiêu này xem ra đã đạt được phần nào khi 15 lãnh đạo các tập đoàn lớn trên thế giới nói với ông Trump về kế hoạch đầu tư hàng chục tỉ USD tại Mỹ nhờ những biện pháp cắt giảm thuế của ông.
Bình luận (0)