Ba người con của ông Hawking - Lucy, Robert và Tim – nói trong một tuyên bố chung hôm 14-3: "Chúng tôi rất đau buồn khi người cha yêu quý của chúng tôi đã qua đời ngày hôm nay. Ông là một nhà khoa học vĩ đại và là một người đàn ông phi thường. Công trình và di sản của ông sẽ tồn tại trong nhiều năm".
"Sự dũng cảm, kiên trì, sáng tạo và hài hước của ông đã truyền cảm hứng cho tất cả mọi người trên thế giới. Chúng tôi sẽ luôn nhớ đến ông".
GS Stephen Hawking. Ảnh: The Guardian
Bi kịch đến sớm
Năm 1963, ông Hawking được các bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh xơ cứng teo cơ ở tuổi 21 và được dự đoán chỉ sống thêm khoảng 2 năm nữa. Tuy nhiên, dạng bệnh mà ông Hawking mắc phải có diễn biến chậm hơn so với bình thường. Vì vậy, ông đã sống hơn nửa thế kỷ.
Có lần, Hawking ước tính ông chỉ làm việc khoảng 1.000 giờ trong 3 năm học đại học tại Oxford. Trong cuốn tự truyện năm 2013, ông viết: "Bạn phải là người sáng tạo mà không cần nỗ lực, hoặc chấp nhận những giới hạn của bản thân".
Từ những năm 1960, ông bắt đầu chống nạng nhưng sau đó phải ngồi xe lăn. Hawking kết hôn với người vợ đầu tiên, bà Jane Wilde, vào năm 1965 (chỉ 2 năm sau khi bệnh ông được chẩn đoán). Bà Wilde học cùng trường với ông Hawking và bắt đầu để mắt tới ông vào năm 1962. Khi lấy chồng, bà Wilde mới 21 tuổi.
Năm 1985, trong chuyến đi tới Tổ chức Nghiên cứu hạt nhân châu Âu (Cern) ở Thụy Sĩ, ông Hawking phải nhập viện vì bị nhiễm trùng. Ông yếu tới mức các bác sĩ hỏi bà Wilde có nên rút ống thở hay không. Bà không chịu và ông Hawking được đưa về bệnh viện Addenbrooke’s ở Cambridge - Anh.
Ông Hawking và bà Wilde trong những năm 1960. Ảnh: Collect
Ông Hawking chụp ảnh cùng người vợ đầu tiên Jane và 3 người con Robert, Lucy và Tim. Ảnh: Daily Mail
Cuộc phẫu thuật mở khí quản sau đó cứu được mạng sống của Hawking nhưng khiến ông mất đi giọng nói. Vợ chồng ông có 3 người con trước khi hôn nhân đổ vỡ vào năm 1991. Bệnh tình ngày càng xấu đi của ông Hawking, những đòi hỏi của ông đối với vợ khiến quan hệ giữa họ không thể cứu vãn. Bà Wilde kể rằng dần dần chồng biến thành "ông chủ", còn vợ là "nô lệ".
Bốn năm sau, ông Hawking cưới bà Elaine Mason, một trong những y tá túc trực chăm sóc ông suốt ngày đêm. Đặc biệt, bà Mason là vợ cũ của ông David Mason, người đã thiết kế chiếc máy phát biểu gắn trên xe lăn đầu tiên mà ông Hawking sử dụng. Cuộc hôn nhân thứ hai kéo dài 11 năm.
Dấu ấn lỗ đen
Nhà vật lý sinh ngày 8-1-1942 tại Oxford – Anh này viết về những bí ẩn không gian, thời gian và lỗ đen trong cuốn sách mang tựa đề "Tóm tắt lịch sử thời gian" và nó trở thành cuốn sách bán chạy nhất thế giới, khiến ông trở thành nhà khoa học nổi tiếng nhất kể từ thời Albert Einstein.
Bước đột phá lớn đầu tiên của Hawking xảy ra năm 1970, khi ông và Roger Penrose áp dụng toán học vào việc phân tích các lỗ đen trong toàn bộ vũ trụ và tìm thấy một điểm dị thường: một vùng có độ cong vô hạn trong không - thời gian.
Ông Hawking trên một chiếc máy bay không trọng lực ngày 26-4-2007. Ảnh: AP
Hawking tiếp tục nghiên cứu về lỗ đen, sau đó đưa ra thuyết lượng tử vào năm 1974 trong đó tuyên bố rằng các lỗ đen phát ra nhiệt.
Đối với các lỗ đen thông thường, để tạo ra một lỗ đen cần thời gian nhiều hơn thời gian hình thành vũ trụ. Khi gần biến mất, các lỗ đen nhỏ phát nhiệt với tốc độ đáng kinh ngạc, cuối cùng nổ tung và giải phóng năng lượng tương đương 1 triệu quả bom hydro có đương lượng nổ 1 megaton.
Đề xuất các lỗ đen phát nhiệt của ông đã khuấy động một trong những cuộc tranh luận sôi nổi nhất của vũ trụ học hiện đại. Hawking lập luận rằng các hố đen sẽ giảm dần khối lượng và bốc hơi sau một thời gian bởi vì chúng mất khối lượng thông qua năng lượng của các hạt phát ra. Điều này mâu thuẫn với một trong những định luật cơ bản nhất của cơ học lượng tử nên rất nhiều nhà vật lý đã không đồng ý với lập luận đó.
Những đóng góp của Hawking tiếp tục vào những năm 1980. Lý thuyết về "sự lạm phát vũ trụ" của ông cho rằng vũ trụ non trẻ đã trải qua giai đoạn mở rộng đáng kể. Năm 1982, ông Hawking là một trong những người đầu tiên chứng minh được sự dao động lượng tử - những biến đổi nhỏ trong quá trình phân bổ vật chất - có thể tăng lên thông qua sự lạm phát vũ trụ. Max Tegmark, GS vật lý tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), nói: "Đây là một trong những ý tưởng hay nhất của lịch sử khoa học".
Dù có thể không phải là nhà vật lý vĩ đại nhất vào thời của ông song trong vũ trị học, Hawking là một tượng đài sừng sững. Ông đã được trao nhiều giải thưởng cao quý như giải Albert Einstein, Wolf Prize, Copley Medal... nhưng chưa chạm được tay vào giải Nobel.
Ông Hawking và người vợ thứ hai Elaine Mason trong lễ cưới ngày 16-9-1995. Ảnh: Reuters
Nhà khoa học nổi tiếng người Anh Stephen Hawking đã qua đời ở tuổi 76
Bình luận (0)