Trước đó, nghi án Moscow can thiệp cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 đã phủ bóng lên chính trường Mỹ suốt 4 năm qua.
Nguồn thạo tin cho biết các vụ tấn công mới nói trên được cho là bắt đầu từ tháng 3-2020 và nhằm vào các mục tiêu như Bộ Thương mại, Bộ Tài chính, Lầu Năm Góc, Bộ An ninh Nội địa, các phòng thí nghiệm hạt nhân… và một số công ty hàng đầu Mỹ. Thông tin về vụ tấn công mạng chưa có tiền lệ này chỉ được hé lộ trong tuần này và Nga lập tức bác bỏ cáo buộc liên quan đến vụ việc. Dù vậy, một nguồn tin thân cận ông Biden nói với đài CNN hôm 18-12 rằng đội ngũ của ông đang chuẩn bị chiến lược nhằm đáp trả Nga, không chỉ vì vụ tấn công mạng nói trên (nếu Moscow chịu trách nhiệm) mà còn cả một loạt hành động "gây rối" khác của Nga thời gian qua. Theo nguồn tin này, các biện pháp trả đũa không chỉ giới hạn ở lệnh trừng phạt.
Trong tuyên bố đưa ra trước đó một ngày, ông Biden nói về vụ tấn công mạng nhưng đề cập đến Nga. "Chúng ta cần ngăn chặn đối thủ thực hiện các cuộc tấn công mạng quan trọng ngay từ đầu. Chúng ta sẽ làm điều đó bằng cách áp một cái giá đáng kể lên những kẻ chịu trách nhiệm và phối hợp với các đồng minh, đối tác" - ông Biden nhấn mạnh.
Các chuyên gia của Bộ Tư lệnh tác chiến không gian mạng Mỹ Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG MỸ
Ông Edward Fishman, người từng làm việc về các biện pháp trừng phạt Nga thời Tổng thống Barack Obama, nhận định chính quyền ông Biden sắp tới sẽ phải đối mặt thách thức không nhỏ trong cuộc chiến trên không gian mạng, nhất là khi vụ tấn công trên chỉ là một trong hàng loạt vụ việc bị xem là có liên quan đến Nga trong 4 năm qua. Trước mắt, theo báo Guardian, Washington chắc chắn sẽ phải đầu tư thêm nhiều tỉ USD để cải thiện năng lực phòng thủ mạng trước nguy cơ tiếp tục bị tấn công thời gian tới.
Một cơn đau đầu khác của ông Biden về chính sách đối ngoại là xử lý mối quan hệ với Trung Quốc. Mối quan hệ này đang lao dốc không phanh sau khi Tổng thống Donald Trump tiếp tục có những bước đi cứng rắn nhằm vào Bắc Kinh. Mới nhất, ông chủ Nhà Trắng hôm 18-12 đã ký ban hành "Đạo luật về trách nhiệm giải trình của các công ty nước ngoài", theo đó cấm cổ phiếu của các công ty nước ngoài được niêm yết trên bất kỳ sàn giao dịch nào của Mỹ nếu họ không tuân thủ các quy tắc kiểm toán của Mỹ trong 3 năm liên tiếp. Đạo luật cũng yêu cầu các công ty nước ngoài công khai liệu họ thuộc sở hữu hay chịu sự kiểm soát của chính phủ nước ngoài hay không.
Tuy đạo luật trên áp dụng đối với tất cả công ty nước ngoài nhưng mục tiêu chính được cho là các doanh nghiệp Trung Quốc được niêm yết tại Mỹ. Không gì lạ khi giới chức Trung Quốc gọi đạo luật là chính sách phân biệt đối xử nhằm gây áp lực chính trị lên các công ty nước này. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm 18-12 thúc giục ông Biden có "nhận thức đúng đắn" về Trung Quốc và hợp tác với Bắc Kinh để tái khởi động đối thoại, đưa quan hệ song phương đi đúng hướng và xây dựng lại lòng tin đôi bên. Theo tờ South China Morning Post (Hồng Kông), ông Vương cho rằng hai nước sắp tới có thể hợp tác trong những lĩnh vực như ứng phó dịch Covid-19, phục hồi kinh tế và chống biến đổi khí hậu.
Bình luận (0)