Nhà Trắng gây áp lực lên Điện Kremlin từ năm 2009 để Nga không chuyển giao hệ thống tên lửa phòng không S-300 cho Iran. Tuy nhiên, sau khi Moscow quyết định thực hiện kế hoạch này, phản ứng của Washington không quá căng thẳng.
Hôm 17-4, phát biểu trong cuộc họp báo với Thủ tướng Ý Matteo Renzi, Tổng thống Obama cho biết: “Tôi lấy làm ngạc nhiên vì Nga trì hoãn điều này lâu đến vậy. Lệnh trừng phạt đối với họ (Moscow) không bao gồm cấm bán vũ khí phòng vệ”.
Ông Obama giải thích Nga bán tên lửa cũng không có gì phải bàn cãi do kinh tế nước này đang gặp khó khăn và giá trị hợp đồng tên lửa với Iran khá lớn, ước tính lên đến 800 triệu USD. Bên cạnh đó, quan hệ Nga – Mỹ đang trong thời kỳ suy thoái nên Moscow không cần làm theo “yêu cầu” ngừng cung cấp tên lửa cho Tehran của Washington.
Tuyên bố của nhà lãnh đạo Mỹ khiến một số nhà phân tích quân sự Israel cảm thấy “bị sốc”. Tel Aviv vốn phản đối Iran sở hữu thêm vũ khí, đặc biệt là tên lửa vì lo ngại nước cộng hòa Hồi giáo đe dọa an ninh khu vực Trung Đông.
Nhà bình luận Ben Caspit mô tả không khí tại đài truyền hình Channel 10 News là "há hốc mồm" khi nghe những phát biểu của ông Obama. "Đây là nước Mỹ kiểu mới. Chúng ta tốt nhất nên làm quen với điều này" - ông nói.
Trong tuần này, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phản đối ra mặt kế hợp đồng giữa Nga và Iran, đồng thời gọi điện thoại cho Tổng thống Vladimir Putin yêu cầu “xem xét lại” nhưng bị từ chối. Israel lo ngại Iran sẽ dùng S-300 gia cố sức mạnh phòng thủ cho các địa điểm chế tạo hạt nhân của mình, khiến Mỹ và phương Tây mất “thế đòn bẩy”.
Ngoài ra, Tel Aviv đề cập khả năng Tehran có thể cung cấp các hệ thống tên lửa phòng thủ cho Syria hay phong trào Hezbollah của Lebanon, đe dọa không lực Israel khi triển khai hoạt động tại 2 quốc gia này.
Cũng trong cuộc họp báo, Tổng thống Obama đề xuất dỡ bỏ lệnh trừng phạt Iran ngay lập tức như một phần của thỏa thuận hạt nhân. Nhà lãnh đạo Mỹ tự tin khẳng định nếu Iran vi phạm thỏa thuận, lệnh trừng phạt sẽ nhanh chóng được nối lại. Trước đó, Washington cho biết thỏa thuận khung đạt được ở Lausanne - Thụy Sĩ quy định các biện pháp trừng phạt cần được dỡ bỏ từ từ.
Cùng ngày 17-4, Ngoại trưởng Iran Mohammed Javad Zarif lại cảnh báo nước này sẽ tiếp tục chương trình làm giàu hạt nhân “không giới hạn” nếu không đạt được thỏa thuận hạt nhân cuối cùng, trong đó phương Tây dỡ bỏ tất cả các biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran.
Theo ông Zarif, tất cả các biện pháp trừng phạt cả về kinh tế và tài chính đều phải được chấm dứt chứ không phải theo giai đoạn hay tạm ngưng.
Bình luận (0)