Trong bài phỏng vấn đăng tải trên website tạp chí The New Republic hôm 27-1, ông Obama cho biết ông phải vật lộn với câu hỏi rằng liệu sự can thiệp nói trên có giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng hoặc chỉ khiến tình hình thêm tồi tệ.
Mỹ lâu nay chỉ mới dừng lại ở việc kêu gọi Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ chức và công nhận liên minh đối lập chứ chưa chịu cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy ở Syria.
Một số người đã chỉ trích Mỹ không can thiệp đủ mạnh vào Syria, nơi hơn 60.000 người đã thiệt mạng và hàng triệu người rời bỏ nhà cửa vì chiến sự.
Một tòa nhà bốc cháy ở Damascus sau vụ không kích của không quân Syria hôm 27-1. Ảnh: Reuters
Dù vậy, ông Obama cho biết ông phải cân nhắc kỹ lợi ích của hành động can thiệp quân sự vào Syria và khả năng hỗ trợ binh lính vẫn còn ở Afghanistan của Lầu Năm Góc. Ông bày tỏ: “Liệu sự can thiệp ở Syria có gây ra thêm nhiều bạo lực hoặc dẫn đến việc sử dụng vũ khí hóa học? Giải pháp nào mang lại triển vọng tốt nhất cho một chế độ ổn định hậu Assad?…”.
Ông Obama cũng bác bỏ những chỉ trích rằng Mỹ không mấy mặn mà trong việc nhúng tay vào những vấn đề đối ngoại như cuộc khủng hoảng Syria. Theo nhà lãnh đạo Mỹ, nước ông đã đưa máy bay chiến đấu tham gia vào chiến dịch lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi ở Libya và đi đầu trong nỗ lực buộc ông Hosni Mubarak ra đi.
Dù vậy, đối với vấn đề Syria, ông Obama muốn bảo đảm bất kỳ hành động nào của Mỹ sẽ không phản tác dụng. Ông nói: “Chúng tôi không phải lúc nào cũng kiểm soát được mọi khía cạnh của các cuộc xung đột khắp thế giới”.
Trong một diễn biến liên quan, giới chức Israel ngày 27-1 tuyên bố sẽ tấn công phủ đầu nếu vũ khí hóa học của Syria lọt vào tay các tổ chức khủng bố.
Lời cảnh báo của Tel Aviv được đưa ra sau khi quân đội Israel đưa hệ thống phòng thủ tên lửa tới một thành phố ở phía bắc và Thủ tướng Benjamin Netanyahu cảnh báo mối nguy hiểm từ Syria, Iran trong cuộc họp nội các cùng ngày.
Chính quyền Israel từ lâu đã lo ngại việc Tổng thống Bashar al-Assad có thể mất quyền kiểm soát đối với kho vũ khí của Syria.
Bình luận (0)