Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama được Trung Quốc hết sức quan tâm.
Ngay sau khi nhà lãnh đạo Mỹ cho biết Washington chia sẻ mối quan tâm về các hành động của Bắc Kinh ở biển Đông với Hà Nội, truyền thông Trung Quốc lập tức lên tiếng.
Tờ China Daily trong một bài xã luận hôm 24-5 đã đánh tiếng Mỹ và Việt Nam không được châm ngòi xung đột cho dù 2 bên thúc đẩy quan hệ song phương.
Tờ báo quan ngại động thái dỡ bỏ lệnh cấm cận vũ khí của Tổng thống Obama nhằm mục đích “kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc”. “Điều này, nếu đúng sự thật, sẽ gây ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định khu vực” - China Daily lập luận.
Ông Obama tại sân bay Nội Bài tối 22-5. Ảnh: REUTERS
Cùng chung tư tưởng phản đối, Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc cũng lớn tiếng cho rằng tuyên bố “không nhắm vào Trung Quốc” của Tổng thống Obama khi dỡ bỏ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam là “lời nói dối không đáng 1 xu”.
Tờ báo khẳng định sự đối kháng chiến lược giữa Washington và Bắc Kinh sẽ trầm trọng thêm sau bước đi trên của Mỹ. Đồng thời, tờ báo cáo buộc Mỹ đang cố gắng “đan 3 tấm lưới giăng khắp Trung Quốc”, bao gồm “tấm lưới tư tưởng, an ninh, và kinh tế - thương mại” trong nỗ lực bảo đảm sự thống trị ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Tờ The Washington Post dẫn lời giáo sư quan hệ quốc tế Shi Yinhong tại Đại học Nhân Dân (Trung Quốc), cho rằng Bắc Kinh sẽ không có phản ứng trả đũa mà tiếp tục "củng cố năng lực quân sự ở biển Đông".
Cùng ngày 24-5, phát biểu tại TP HCM, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhấn mạnh quyết định dỡ bỏ cấm vận vũ khí không nhắm vào Trung Quốc mà sẽ thúc đẩy một “trật tự dựa trên luật pháp”. Ông Kerry cũng khuyến cáo Bắc Kinh không được đơn phương có những hoạt động cải tạo và quân sự hóa ở biển Đông.
Một biểu hiện không yên tâm khác là Trung Quốc còn tìm cách lôi kéo các nước châu Phi phản đối vụ kiện của Philippines lên Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague – Hà Lan.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khoe đã có "hơn 40 quốc gia ủng hộ giải quyết tranh chấp ở biển Đông thông qua đàm phán trực tiếp, không phải tòa án quốc tế”, trong đó có cả những nước ở tận châu Phi, như Niger, Togo, Burundi...
Bình luận (0)