Tuy nhiên, ông Pita cũng khẳng định sẽ không rút lui khỏi kế hoạch sửa đổi luật cấm xúc phạm hoàng gia.
Trả lời phỏng vấn với Reuters vào hôm 18-7, ông Pita - lãnh đạo đảng Tiến bước - mô tả những nỗ lực nhằm ngăn chặn ông như một "kỷ lục bị phá vỡ".
Ông Pita Limjaroerat, nhà lãnh dạo Đảng Tiến bước - Ảnh: REUTERS
Ông Pita cũng cho rằng Thái Lan đã bước vào một thời đại khác, với sự khao khát thay đổi đến từ công chúng. Ông dự kiến tranh cử lần thứ 2 vào ngày 19-7 trong cuộc bỏ phiếu của Quốc hội quyết định chức vụ thủ tướng.
Ông Pita đã thất bại trong cuộc bỏ phiếu tương tự vào tuần trước khi không giành đủ sự ủng hộ cần thiết, chủ yếu do phía Thượng viện bảo thủ thân quân đội.
Trước đó, ông Pita đã gây nên cơn địa chấn khi đưa Đảng Tiến lên của mình giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 14-5, tận dụng sự ủng hộ của đông đảo giới trẻ để đánh bại các đối thủ bảo thủ.
Nhưng chiến thắng này vẫn bị cản trở bởi hiến pháp do quân đội soạn thảo, khiến các đảng được bầu rất khó thành lập chính phủ nếu không có sự tán thành của Thượng viện.
Theo The Bangkok Post, các nguồn tin cho biết ông Pita vẫn phải đối mặt với một số rào cản đối với nỗ lực tranh cử thủ tướng vào ngày 19-7.
Trở ngại đầu tiên là những người chỉ trích ông, đặc biệt là trong số 250 thượng nghị sĩ, sẽ trích dẫn quy định số 41 của cuộc họp quốc hội, có nội dung cấm một đề nghị đã bị quốc hội bác bỏ được đệ trình lại trong cùng một phiên họp.
Nếu việc đề cử ông Pita bị bác bỏ, cuộc bỏ phiếu cho ghế thủ tướng sẽ tiếp tục bị dời và đảng Pheu Thai (đảng về nhì sau Tiến bước) sẽ có cơ hội đề cử ứng cử viên của họ; rất có thể là ông Srettha Thavisin.
Nguồn tin của Bangkok Post cũng cho biết Pheu Thai sẵn sàng thành lập một liên minh thay thế không bao gồm đảng Tiến bước nếu như ông Pita không giành chiến thắng trong hôm nay.
Bình luận (0)