Sau khi kiểm 99,5% số phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống (TT) Nga hôm 4-3, Thủ tướng - ứng cử viên Vladimir Putin đã giành được 63,71% phiếu bầu. Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga (CEC) Vladimir Churov chính thức tuyên bố tại cuộc họp báo ở Moscow hôm 5-3 rằng ứng cử viên Putin đã được bầu vào chức vụ cao nhất nước Nga và sẽ không có bầu cử vòng 2.
Giọt nước mắt xúc động
Những người ủng hộ Thủ tướng Putin đã ăn mừng chiến thắng của ông ngay trong đêm 4-3 tại quảng trường Manezhnaya (Moscow) với khoảng 110.000 người tham dự. Thủ tướng Putin và TT Dmitry Medvedev cũng có mặt. Phát biểu với những người ủng hộ, ông Putin không che giấu mình đã xúc động đến rơi nước mắt. Ngoài ra, ông nhận định rằng đối với nước Nga, cuộc bầu cử vừa qua là sự thử nghiệm độ chín muồi về chính trị, tính tự lập và độc lập.
Thủ tướng Vladimir Putin và Tổng thống Dmitry Medvedev tại cuộc mít tinh mừng chiến thắng ở Moscow. Ảnh: ITAR TASS
Thủ tướng Putin nhấn mạnh: “Tôi cám ơn tất cả những ai đã nói “Có” với nước Nga vĩ đại. Tôi đã hứa sẽ chiến thắng. Và chúng ta đã giành chiến thắng”. Hãng tin Itar-Tass thuật lại rằng vào thời điểm đó, đôi mắt của ứng cử viên Putin long lanh. Đồng thời, ông kêu gọi mọi người đoàn kết vì quyền lợi của nhân dân và tổ quốc.
Đứng vị trí thứ hai là ông Gennady Zyuganov, thủ lĩnh Đảng Cộng sản Nga, với 17,19% số phiếu. Tỉ phú Mikhail Prokhorov đứng thứ ba với 7,84%; ông Vladimir Zhirinovsky, thủ lĩnh Đảng Dân chủ Tự do, được 6,23% và ông Sergei Mironov, thủ lĩnh Đảng Nước Nga Công bằng, đạt 3,85%.
Ngay sau khi CEC công bố kết quả sơ bộ, Thủ tướng Putin đã gọi điện cho ông Prokhorov và khẳng định rằng ứng cử viên độc lập này đã đạt được kết quả thích đáng. Ông Putin nói: “Trước khi gọi điện cho ông, tôi đã nói chuyện với các nhà báo về khả năng thành lập thêm một chính đảng nữa. Chúc ông thành công”.
Điều đáng nói là cử tri Nga đã ủng hộ Thủ tướng Putin một cách đặc biệt tích cực. Chiến thắng thuyết phục nhất của ông là ở Chechnya với 99,73% số phiếu bầu trong tổng số hơn 99% số người đi bầu. Ở đó, các ứng cử viên khác chỉ được gần 300 người bầu. Gần 93% cử tri ở Dagestan và 92% ở Ingushetia dồn phiếu cho ông Putin. Trong khi đó, ở Nam Ossetia, nơi nhiều dân cư có hộ chiếu Nga, 92% cử tri bầu ông Putin; còn ở Bắc Ossetia là 72%. Ở thành phố St. Petersburg quê hương, Thủ tướng Putin nhận được 58,7% phiếu bầu.
Cuộc bầu cử minh bạch
Nhận xét về cuộc bầu cử TT Nga, nhóm các quan sát viên độc lập đã chính thức ra tuyên bố khẳng định rằng về tổng thể, nước Nga đã tuân thủ các nguyên tắc của cuộc bầu cử công khai, công bằng và cởi mở phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. Các quan sát viên khẳng định: “Tại các điểm bầu cử chúng tôi có mặt đã không có vụ vi phạm nào”. Ông Clyde Preston, quan sát viên người Mỹ, thừa nhận: “90% các đại diện nhóm quan sát viên quốc tế đã đánh giá quá trình bầu cử TT Nga là tốt. Chỉ 10% đánh giá đạt yêu cầu. Không người nào đánh giá xấu”.
Bên cạnh đó, theo báo Kommersant, các quan sát viên cho rằng đã có vi phạm tại cuộc bầu cử lần này nhưng chúng ít hơn tại cuộc bầu cử Duma cuối năm ngoái. Thậm chí, một quan sát viên là đại biểu Nghị viện châu Âu nhận xét cuộc bầu cử TT Nga trung thực và công khai hơn ở nhiều quốc gia châu Âu. Đồng thời, CEC cho biết đã không xảy ra vi phạm nghiêm trọng nào. Còn ông Stanislav Govorukhin, trưởng ban vận động tranh cử của Thủ tướng Putin, tuyên bố cuộc bầu cử vừa qua trong sạch nhất trong lịch sử nước Nga.
Trong khi đó, các quan sát viên từ Cộng đồng Các quốc gia độc lập (SNG) cho rằng cuộc bầu cử vừa qua ở Nga minh bạch, được tiến hành trong những điều kiện cạnh tranh công khai và cởi mở, phù hợp với các tiêu chuẩn dân chủ. Có 282 quan sát viên đến từ các nước SNG. Trưởng đoàn quan sát viên SNG Nauryz Aidarov cho biết: “Tại 1.500 điểm bầu cử mà chúng tôi có mặt, đã không ghi nhận một hiện tượng nào có thể gây nghi ngờ kết quả bầu cử”.
Tin tặc tấn công
Phó Chủ tịch CEC Leonid Ivlyev thông báo với các nhà báo rằng trang web của CEC hôm 4-3 đã chịu nhiều vụ tấn công của các tin tặc từ Nga và các nước SNG cũng như các nước Tây Âu và Úc. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đã phải đối phó với những vụ tấn công nhằm vào hệ thống webcam tại các điểm bỏ phiếu. Bộ trưởng Viễn thông và Thông tin Nga Igor Shegolev lưu ý: “Các vụ tấn công trên có tầm hoạt động khá rộng: từ Nhật Bản qua Pakistan và từ Indonesia đến Mỹ”.
Bộ trưởng Shegolev cũng cho biết đã xảy ra một số trường hợp gián đoạn trong hệ thống. Ông xác nhận: “Sự cố đã xảy ra ở các khu vực khác nhau. Vào một thời điểm, ủy ban theo dõi bầu cử có thông báo rằng không liên lạc được cùng một lúc với 80 điểm bầu cử”. Tuy nhiên, theo ông, sự gián đoạn như trên chỉ diễn ra một thời gian ngắn.
Bình luận (0)