Theo hãng tin Reuters, ông Putin cho biết ông ủng hộ đối thoại hòa bình ở Venezuela. Ông chủ Điện Kremlin cũng chỉ trích sự can thiệp phá hoại từ bên ngoài bị cho là vi phạm nghiêm trọng các quy tắc cơ bản nhất của luật pháp quốc tế.
Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ sự ủng hộ dành cho Tổng thống Nicolas Maduro trong cuộc điện đàm. Ảnh: Reuters
Theo The New York Times, cho tới nay các chỉ huy quân sự cấp cao của Venezuela dường như đứng về phía ông Maduro, dù cho họ bày tỏ sự báo động với hậu quả tiềm tàng của việc tranh đua quyền lực.
"Chúng tôi ở đây để tranh một cuộc xung đột giữa những người dân Venezuela. Đây không phải nội chiến hay cuộc chiến tranh giữa những người anh em, nội chiến không phải cách giải quyết các vấn đề Venezuela đang đối mặt" - Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela Vladimir Padrino nói hôm 24-1.
Trong cuộc điện đàm, ông Putin và ông Maduro cũng nhất trí duy trì hợp tác giữa hai quốc gia trong các lĩnh vực khác nhau. Những tuyên bố trên được đưa ra sau khi lãnh đạo đối lập ở Venezuela Juan Guaido hôm 23-1 tự nhận trở thành tổng thống lâm thời của nước này.
Cuộc khủng hoảng chính trị ở Venezuela đã kéo dài nhiều tháng qua nhưng trở nên nghiêm trọng hơn sau khi Mỹ tuyên bố không công nhận kết quả cuộc bầu cử hồi cuối năm ngoái mà theo đó, ông Maduro tái đắc cử nhiệm kỳ 6 năm lần thứ hai.
Tổng thống Donald Trump cũng thông báo quyết định công nhận ông Juan Guaido là tổng thống lâm thời, vài phút sau khi ông Guaido tự tuyên thệ nhậm chức. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo kêu gọi ông Maduro từ chức và quân đội nước này hỗ trợ các nỗ lực khôi phục "nền dân chủ".
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng đã gọi điện cho Tổng thống Maduro để đề nghị hỗ trợ và nói rằng ông bị sốc khi Washington ủng hộ thủ lĩnh phe đối lập trở thành lãnh đạo lâm thời.
Ông Guaido tuyên bố trở thành tổng thống lâm thời Venezuela. Ảnh: AP
Trong khi đó, quân đội Venezuela được xem là trọng tài truyền thống về các cuộc tranh chấp chính trị ở Venezuela và đóng vai trò là chỉ số dự báo quan trọng về việc phe đối lập có thành công trong việc thành lập một chính phủ mới hay không.
Người biểu tình xuống đường ủng hộ ông Guaido. Ảnh: AP
Khoảng 6 tướng lĩnh kiểm soát hàng ngàn binh sĩ cùng với ông Maduro cáo buộc Mỹ can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Venezuela và cho rằng họ sẽ duy trì sự lãnh đạo của ông Maduro. Bộ trưởng Quốc phòng Vladimir Padrino Lopez, một đồng minh chủ chốt của ông Maduro, sau đó cũng bác bỏ những nỗ lực thành lập một "chính phủ song song" không khác gì một cuộc đảo chính.
Mỹ, Canada, nhiều nước Mỹ Latinh và châu Âu tuyên bố công nhận ông Guaido làm tổng thống. Trong khi đó, Nga, Trung Quốc, Iran, Syria, Cuba và Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng ủng hộ chính phủ của ông Maduro.
Trong một diễn biến mới nhất, Tổng thống Nicolas Maduro vào ngày 24-1 yêu cầu tất cả nhân viên ngoại giao nước này ở Mỹ quay về Venezuela, đồng thời đóng cửa hoàn toàn đại sứ quán ở Washington. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ yêu cầu các viên chức ngoại giao không quan trọng rời khỏi Venezuela và Đại sứ quán Mỹ ở Caracas cũng đề nghị công dân Mỹ cân nhắc việc rời khỏi nước này.
Bình luận (0)