Chủ tịch hạ viện Vyacheslav Volodin cho biết dự thảo luật sẽ tiếp tục được xem xét tại phiên họp toàn thể thứ hai sẽ diễn ra vào ngày 11-2 tới.
Phiên họp toàn thể Duma quốc gia Nga ngày 23-1. Ảnh: IZVESTIA
Tuần trước, Tổng thống Putin đã đề xuất một loạt sửa đổi hiến pháp định hình lại hệ thống chính quyền của quốc gia và có thể cho phép ông thực hiện vai trò mới khi kết thúc nhiệm kỳ 6 năm hiện tại.
Hãng tin AP nhận định: Tổng thống Putin vẫn kín tiếng về vai trò tương lai của ông khi ông đẩy nhanh một loạt thay đổi hiến pháp được coi là nỗ lực để duy trì sự thống trị của ông đối với chính trường Nga sau khi nhiệm kỳ hiện tại của ông kết thúc vào năm 2024.
Tại một cuộc gặp gỡ với các sinh viên hôm 22-1, ông Putin đã nhấn mạnh ý tưởng làm theo gương của Kazakhstan là không phù hợp với Nga.
Ông Nurultan Nazarbayev, 79 tuổi, cai trị Kazakhstan từ thời Liên Xô, mới từ chức tổng thống hồi năm ngoái - và đã có một người được bầu vào chức vụ này - nhưng ông vẫn giữ vững quyền lực bằng cách bảo đảm vai trò nổi bật là người đứng đầu hội đồng an ninh quốc gia.
"Sự xuất hiện của một vai trò bên trên chức vụ tổng thống có nghĩa là một quyền lực kép, điều này hoàn toàn không thể chấp nhận được đối với một quốc gia như Nga. Điều đó sẽ làm xói mòn chức vụ tổng thống" - ông Putin nói.
Tổng thống Vladimir Putin chủ tọa cuộc họp Hội đồng An ninh hôm 20-1. Ảnh: AP
Tổng thống Putin, 67 tuổi, đã nắm quyền lực ở Nga trong hơn 20 năm qua, lâu hơn bất kỳ nhà lãnh đạo Nga hay Liên Xô nào khác kể từ Josef Stalin - người đã lãnh đạo từ năm 1924 cho đến khi ông qua đời năm 1953.
Ông Putin đã lập luận rằng các sửa đổi hiến pháp nhằm tăng cường dân chủ nhưng những kẻ đối địch của Điện Kremlin cáo buộc chúng nhằm mục đích cho phép ông cai trị suốt đời.
Ngoài ra, Tổng thống Putin đề nghị hiến pháp phải chỉ định thẩm quyền của Hội đồng Nhà nước, cơ quan tư vấn bao gồm các thống đốc khu vực và các quan chức liên bang hàng đầu.
Dự luật sửa đổi hiến pháp của Kremlin đệ trình lên quốc hội trao quyền cho hội đồng trên "xác định các đường hướng chính của chính sách đối ngoại và đối nội", thẩm quyền cụ thể của nó sẽ được nêu trong một đạo luật riêng.
Một số nhà quan sát cáo buộc ông Putin có thể tiếp tục lãnh đạo với tư cách là người đứng đầu Hội đồng Nhà nước sau khi kết thúc nhiệm kỳ tổng thống.
Thoạt đầu, những đề xuất của Tổng thống Putin đã khiến một số nhà quan sát suy đoán rằng ông cũng có thể chuyển sang chức vụ thủ tướng - điều ông đã từng làm khi ông từ chức năm 2008 sau 2 nhiệm kỳ tổng thống và để người được bảo lãnh của ông, Dmitry Medvedev, giữ chức tổng thống giữ chỗ trong 4 năm trước khi ông trở lại nắm quyền.
Ngay sau khi công bố những thay đổi được đề xuất vào tuần trước, ông Putin đã sa thải ông Medvedev và bổ nhiệm ông Mikhail Mishustin giữ chức vụ thủ tướng.
Giới quan sát cho rằng các sửa đổi hiến pháp được đề xuất còn củng cố chức vụ tổng thống, càng gây khó cho khả năng ông Putin sẽ lại chọn chức vụ thủ tướng.
Bản thân Tổng thống Putin hôm 22-1 tái khẳng định rằng Nga phải duy trì một vị tổng thống mạnh mẽ.
"Với lãnh thổ rộng lớn, nhiều dân tộc và sắc tộc, Nga cần một quyền lực tổng thống mạnh mẽ" - ông Putin nói khi được hỏi liệu Nga có thể chuyển sang hệ thống nghị viện hay không.
Bình luận (0)