Thời gian qua, luồng vốn đầu tư vào Nga giảm mạnh và kinh tế nước này cũng trượt vào suy thoái, sau khi giá dầu sụt giảm mạnh hồi năm ngoái và việc phương Tây áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế lên nước Nga do khủng hoảng Ukraine. Nhưng trong bài phát biểu dài 29 phút tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế St Petersburg hôm 19-6 và trong cuộc hỏi đáp kéo dài hơn 1 giờ sau đó, ông Putin đã phớt lờ lời kêu gọi của nhiều nhà đầu tư và không tiết lộ những kế hoạch mới để chấm dứt suy thoái kinh tế.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersburg 2015 hôm 19-6. Ảnh: Reuters
Thay vào đó, ông Putin lại cảnh báo phương Tây không nên can thiệp vào công việc của Moscow, đồng thời đổ lỗi cho phương Tây gây ra khủng hoảng Ukraine, đặc biệt là Mỹ. Ông nói: “Tôi muốn chỉ ra rằng chúng ta đều đã được cảnh báo cuối năm ngoái sẽ có khủng hoảng sâu, nhưng điều đó đã không xảy ra. Chúng tôi đã ổn định được tình hình, chủ yếu vì nên kinh tế Nga đã tích lũy đủ sức mạnh nội tại”.
Ngân hàng Trung ương Nga hạ lãi suất cơ bản xuống còn 11,5% hôm thứ hai 15-6, lạm phát giảm từ 16,9% hồi tháng 4 xuống còn 15,8% vào tháng 5, còn đồng Rouble của Nga cũng tăng giá trị: 54 rouble đổi được 1 USD so với tỷ giá thấp kỷ lục 80 rouble đổi được 1 USD hồi tháng 12 năm ngoái.
Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby không đồng tình với nhận định của ông Putin. Ông Kirby phát biểu tại một cuộc họp báo nhanh ở Washinton: “Chúng ta đều biết thực tế không phải như vậy, các chi phí vẫn đang đè nặng lên ông Putin và nền kinh tế cùng diễn biến sắp tới vẫn sẽ như vậy.
Ông Putin cũng tự tin cho rằng hợp tác của Moscow với Phương Tây sẽ vẫn tiếp tục, bất chấp việc Liên minh châu Âu (EU) công bố sẽ kéo dài các lệnh trừng phạt thêm 6 tháng.
Tuy nhiên, dù ông Putin đang tỏ ra lạc quan nhưng trên thực tế quan hệ giữa Nga với phương Tây đã chạm đáy kể từ sau Chiến tranh lạnh. Cựu Bộ trưởng tài chính Nga Alexei Kurdin từng nhận định nước Nga vẫn đang trong “mắt bão”.
Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersburg hôm 19-6 vắng mặt tổng giám đốc của nhiều công ty phương Tây. Đây là năm thứ hai liên tiếp họ vắng mặt tại sự kiện kinh tế thường niên của Nga, dù rằng tại diễn đàn vẫn có sự hiện diện của những người đứng đầu các công ty dầu khí lớn.
Ông Putin họp với giám đốc các hãng thông tấn quốc tế tại Thư viện Tổng thống Boris Yeltsin ở St.Petersburg hôm 19-6. Ảnh: Reuters
Chính quyền Putin đã quay sang đẩy mạnh hợp tác với châu Á kể từ khi các lệnh trừng phạt của phương Tây được áp đặt, do vậy tại diễn đàn cũng có các đại diện của nhiều quốc gia châu Á. Một khách mời đáng chú ý khác tại diễn đàn là Thủ tướng Alexiss Tsipras của Hy Lạp. Sau khi xung đột với những đối tác tại EU do khủng hoảng nợ, Hy Lap đã và đang xây dựng quan hệ với Nga. Hai quốc gia đã ký kết một thỏa thuận thắt chặt quan hệ về năng lượng giữa 2 nước. Một quan chức Nga còn nói rằng Moscow có thể cân nhắc hỗ trợ tài chính cho Hy Lạp.
Ông Putin cũng khẳng định việc xây dựng quan hệ với châu Á và Hy Lạp không phải nhằm “chọc tức” phương Tây, đồng thời cho rằng việc bầu không khí chính trị giữa Nga và phương Tây có cải thiện hay không tùy thuộc phương Tây chứ không phải Nga. “Chúng tôi không muốn bị họ nói chuyện bằng ngôn ngữ tối hậu thư” - ông Putin nói.
Bình luận (0)