"Không ai được quyền ra lệnh cho nhân dân Trung Quốc nên hay không nên làm gì"- ông Tập Cận Bình nói trong bài phát biểu kỉ niệm 40 năm Trung Quốc cải cách và mở cửa nền kinh tế.
"Chúng ta phải kiên quyết cải cách những gì nên và có thể được thay đổi nhưng cũng kiên quyết không thay đổi những gì không nên và không cần phải thay đổi".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Reuters
Bài phát biểu của ông Tập diễn ra tại thời điểm nóng bỏng với Trung Quốc, sau nhiều thập kỷ tăng trưởng kinh tế đã biến nước này thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Vào ngày 18-12-1978, lãnh đạo Trung Quốc lúc đó – ông Đặng Tiểu Bình - đã khai mạc một cuộc họp chính thức mở đầu cho sự chuyển biến của Trung Quốc từ một nền kinh tế mệnh lệnh sang kinh tế thị trường – hay còn gọi là "chủ nghĩa xã hội với đặc thù Trung Quốc".
Nay, giới lãnh đạo Trung Quốc đang lo ngại với tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm chạp, đối đầu thương mại với Mỹ và những lo ngại quốc tế về nhân quyền tại nước này. Giới quan sát hy vọng ông Tập sẽ vạch ra những đường hướng mới hặc những cải cách cần thiết để hỗ trợ kinh tế trung Quốc vốn đang bị đè nặng bởi nợ nần, tiêu dùng đi xuống và sự lấn át của doanh nghiệp nhà nước.
Tuy nhiên, bài phát biểu của nhà lãnh đạo Trung Quốc hôm 18-12 tập trung vào uy quyền tối cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Khẳng định sự lãnh đạo và chiến lược của Đảng Cộng sản Trung Quốc tới này là "hoàn toàn đúng đắn", ông Tập liệt kê những thành tựu của chính phủ.
Chủ tịch Trung Quốc lặp lại nhấn mạnh rằng Bắc Kinh không bao giờ tìm kiếm vị trí bá chủ toàn cầu. Ông khẳng định nước này đang "bước đến vị trí trung tâm trên sân khấu quốc tế". Ông còn cho rằng Trung Quốc đã được nhìn nhận là "người xây dựng hòa bình, đóng góp phát triển toàn cầu và bảo vệ trật tự quốc tế". Ông nhắc lại quan điểm của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình 40 năm trước rằng "đói nghèo thì không phải là chủ nghĩa xã hội".
"Chúng ta cần bắt kịp thời đại. Đây là mục tiêu của cải cách"- chủ tịch Trung Quốc khẳng định.
Trong khi hứa hẹn tiếp tục cải cách, Chủ tịch Tập Cận Bình không nêu chi tiết bất cứ chính sách cụ thể nào. Và bài phát biểu đã không khơi gợi được tự tin trên các thị trường ở châu Á. Các thị trường chứng khoán ở Hồng Kông và Thượng Hải đều sụt giảm mạnh sau bài phát biểu. Thị trường ở Tokyo và Sydney cũng cùng cảnh ngộ.
Nhận xét về bài phát biểu của nhà lãnh đạo Trung Quốc, quản lý khu vực về Trung Quốc thuộc Economist Intelligence Unit, ông Tom Rafferty nói: "Chủ tịch Tập Cận Bình kéo dài một cách không đáng ngạc nhiên trong lối hùng biện hoa mỹ và quá ngắn gọn về chi tiết. Các nhà đầu tư địa phương cũng như quốc tế sẽ có cảm giác thất vọng rằng ông Tập không đưa ra những tín hiệu rõ ràng hơn về đường hướng của cải cách kinh tế tương lai vào thời điểm mà các cam kết của chính phủ Trung Quốc về tự do hóa thị trường được cho là đang suy yếu".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vỗ tay tại cuộc họp. Ảnh: Reuters EPA
Theo Guardian, các nhà chỉ trích nói rằng yếu tố chính trị đang cản đường những cải cách cần thiết khi các vấn đề kinh tế của Trung Quốc đang đặt ra một thách thức hiếm thấy với ông Tập. Giới chuyên gia nói rằng nhiệm kỳ đầu tiên của ông Tập đã tập trung vào các mục tiêu chính trị, như chống tham nhũng.
Ngoài ra, Bắc Kinh được cho là ngày càng tăng cường sự kiểm soát của lĩnh vực nhà nước đối với nền kinh tế khi các công ty tư nhân gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tiếp cận tín dụng. Tăng trưởng kinh tế dựa vào những dự án cơ sở hạ tầng cũng giảm tốc độ.
Các chuyên gia khác cho rằng chính sách công nghiệp và đối ngoại cứng rắn của ông Tập đã đẩy Trung Quốc vào thế đối đầu với Mỹ một cách không cần thiết và đi ngược với chínhh sách "náu mình chờ thời" nhiều thập niên qua, cũng được khởi xướng bởi ông Đặng Tiểu Bình.
Bình luận (0)