Ông Kim Jong-un được cho là tới Bắc Kinh trong chuyến thăm nước ngoài đầu tiên kể từ khi ông lên nắm quyền vào cuối năm 2011. Chuyến thăm này chưa được xác nhận chính thức trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng ủng hộ các lệnh trừng phạt quốc tế chống lại Triều Tiên.
Theo báo South China Morning Post (SCMP) ngày 27-3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể sẽ muốn nghe ông Kim Jong-un nói về các cuộc họp thượng đỉnh dự kiến giữa Bình Nhưỡng với Washington và Seoul nếu thực sự nhà lãnh đạo Triều Tiên tới Bắc Kinh.
SCMP nhận định đối với Trung Quốc, chuyến thăm này đem lại nhiều lợi ích tiềm tàng, đặc biệt là Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ rất quan tâm đến những gì mà ông Kim Jong-un đang chờ đợi từ các cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào tháng 4 và sau đó là với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un được cho là vừa tới thăm Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Sau những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên hồi năm ngoái liên quan đến chương trình tên lửa và hạt nhân Triều Tiên, chuyến thăm của ông Kim Jong-un có thể tạo ra bước ngoặt ngoại giao đáng chú ý trong năm nay.
Đây là dấu hiệu cho thấy sự thay đổi "giai điệu ngoại giao" trên bán đảo Triều Tiên sau khi Trung Quốc tăng cường các biện pháp trừng phạt và gây áp lực đối với Triều Tiên. Thêm vào đó, dễ dàng nhận thấy "các tầng địa chính trị" đang dịch chuyển trên bán đảo Triều Tiên.
Bắc Kinh miễn cưỡng ủng hộ lệnh trừng phạt Bình Nhưỡng vì sợ người hàng xóm rơi vào tình trạng bất ổn. Nếu chế độ của nhà lãnh đạo Kim Kong-un sụp đổ, làn sóng người tị nạn sẽ tràn qua biên giới Triều Tiên vào Trung Quốc, gây ra hệ lụy khó lường.
Con tàu được cho là chở ông Kim Jong-un tới Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Vì những lý do kể trên, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ muốn tìm hiểu về các cuộc đàm phán giữa Triều Tiên với Mỹ và Hàn Quốc. Ông hoan nghênh những tiến bộ trong quan hệ liên Triều thời gian gần đây nhưng nhận thức được các rủi ro, đặc biệt là với ê kíp của ông Trump.
Trong quá khứ, cha ông Kim Jong-un (cố lãnh đạo Kim Jong-il) cũng sang Trung Quốc vào năm 2000 để gặp Chủ tịch khi đó là ông Giang Trạch Dân trước khi cuộc họp thượng đỉnh liên Triều diễn ra vào tháng 6 cùng năm.
"Triều Tiên muốn củng cố quan hệ với Trung Quốc và tin rằng họ có đòn bẩy để đề nghị Trung Quốc làm gì đó. Nếu Triều Tiên đơn thương độc mã đàm phán với Mỹ, họ có thể thấy bất lợi. Nhưng nếu có Trung Quốc là đồng minh, Triều Tiên nghĩ mình có thể bảo vệ lợi ích trong tiến trình đàm phán" - ông Yoo Ho-yeol, chuyên gia tại Trường ĐH Triều Tiên ở Seoul, nhấn mạnh.
Bình luận (0)