Phát biểu tại hội nghị thường niên của Ủy ban Các vấn đề Pháp lý và Chính trị tại Bắc Kinh hôm 16-1, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói: "Chúng ta phải đẩy nhanh thiết lập một cơ chế bảo vệ lợi ích hợp pháp của các tổ chức và công dân Trung Quốc ở nước ngoài".
Lực lượng an ninh Pakistan tại hiện trường Lãnh sự quán Trung Quốc ở Karachi, Pakistan sau vụ tấn công năm ngoái. Ảnh: AP
Ủy ban Các vấn đề Pháp lý và Chính trị vốn do Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc giám sát, đảm trách các lực lượng thực thi pháp luật trên cả nước, trong đó có cảnh sát.
Lời kêu gọi của ông Tập đưa ra sau khi cảnh sát Pakistan xác nhận hồi cuối tuần rồi rằng vụ tấn công chết người vào lãnh sự quán Trung Quốc ở Karachi vào năm ngoái là một vụ tấn công có chủ đích và tính toán trước. Nó cũng được đưa ra sau vụ bắt giữ và bảo lãnh tại ngoại ở Canada tháng rồi đối với Giám đốc Tài chính tập đoàn Huawei Sabrina Meng Wanzhou vì cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ lên Iran.
Giới phân tích cho rằng thông điệp trên của ông Tập có thể báo hiệu sự hợp tác lớn hơn giữa các tổ chức thực thi pháp luật ở Trung Quốc nước ngoài giữa lúc Bắc Kinh tìm cách mở rộng mạng lưới an ninh để bảo vệ các lợi ích quốc tế ngày càng gia tăng.
Và những đe dọa đối với các lợi ích này dường như đang tăng lên khi các căng thẳng dâng cao với Mỹ trong khi các nhóm khủng bố như Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và al-Qaeda đang đặt ra những đe dọa lớn hơn, theo báo cáo của công ty tư vấn đánh giá rủi ro Paitron có trụ sở tại Bắc Kinh và Hiệp hội phát triển hải ngoại Trung Quốc - một cơ quan bán chính thức thuộc Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia.
Báo cáo nói trên, công bố hôm 15-1, đã cảnh báo rằng những yếu tố nêu trên đe dọa các công ty Trung Quốc đối mặt với những rủi ro lớn hơn khi đầu tư ở nước ngoài.
Hồi tháng 3-2018, Tập đoàn Rand ở California – Mỹ cảnh báo rằng việc Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể mang lại cho nước này thịnh vượng nhưng hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu cũng khiến nhiều công dân và tài sản của họ bị đe dọa ở các nước khác.
Vụ bắt giữ bà Meng ở Canada cũng làm kinh động giới doanh nhân Trung Quốc về những rủi ro khi làm ăn ở nước ngoài, trong đó có khả năng họ có thể bị giới thực phi pháp luật nhắm tới ở các nước khác, đặc biệt là Mỹ.
Nhà phân tích chính trị Chen Daoyin ở Thượng Hải cho rằng phát biểu trên của ông Tập phản ánh sự lo ngại gia tăng trong giới lãnh đạo Trung Quốc về các nguy cơ đối với công dân và doanh nghiệp Trung Quốc.
"Nhu cầu đang ngày càng gia tăng đối với việc bảo vệ lợi ích Trung Quốc ở nước ngoài giữa lúc Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng tới các nước khác và đầu tư sâu rộng vào thị trường nước ngoài. Rõ ràng khả năng bảo vệ này của Bắc Kinh vẫn còn chậm chạp"- ông Chen nhận định.
"Trung Quốc có thể hợp tác với các nước khác trong các vấn đề thực thi pháp luật và tư pháp trong tương lai"- vị chuyên gia nhấn mạnh, đồng thời ông nói thêm rằng Trung Quốc sẽ cần phải cải thiện năng lực này để tránh gây va chạm ở nước ngoài.
Trong khi đó, chuyên gia quan hệ quốc tế của ĐH Renmin Wang Yiwei cho rằng Trung Quốc cần tăng cường mạng lưới bảo vệ ở nước ngoài để đối phó tốt hơn với những thách thức mới.
Bình luận (0)