Bài diễn văn đầu tiên đọc trước quốc hội tối 28-2 (giờ địa phương) của Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến không ít người ngạc nhiên khi có giọng điệu được xem là mang tính hòa giải và kiềm chế hơn.
Mở ra chương mới
Ông không có những lời lẽ công kích giới truyền thông hoặc cá nhân, ít khi đi chệch hướng khỏi nội dung bài phát biểu được chuẩn bị trước. Thay vào đó, ông thúc giục quốc hội làm việc cùng ông để thông qua những chính sách đang theo đuổi - gói đầu tư hạ tầng trị giá 1.000 tỉ USD, giảm thuế cho doanh nghiệp và các gia đình trung lưu, hủy bỏ và thay thế chương trình bảo hiểm y tế Obamacare, giảm giá thuốc… - để mở ra “một chương mới của nước Mỹ vĩ đại”.
Tân tổng thống Mỹ cũng khẳng định công việc của mình không phải là “đại diện cho thế giới” khi thúc đẩy một chương trình nghị sự đậm chất dân tộc chủ nghĩa về quốc phòng, thương mại và nhập cư.
Những ai muốn biết nhiều hơn về các chính sách đối nội, đối ngoại chủ chốt của ông Trump thông qua bài phát biểu chắc chắn không khỏi thất vọng.
Theo đài BBC, nhiều ý tưởng nói đến trong bài diễn văn chỉ chung chung và không có gì mới - cam kết tăng cường an ninh biên giới, xây dựng lại quân đội, mạnh tay với người nhập cư trái phép, hứa hẹn tái xây dựng đất nước bằng cách “mua hàng Mỹ, thuê người Mỹ”, kêu gọi các đồng minh có trách nhiệm hơn về tài chính, ưu tiên tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng…
Đáng chú ý, ông không nhắc gì về những thách thức ở nước ngoài, như Syria, Triều Tiên, Nga… dù cam kết ủng hộ những liên minh an ninh lâu năm khắp thế giới của Mỹ. Bất chấp nội dung bài diễn văn thiếu thông tin chi tiết, cuộc thăm dò của đài CNN/Công ty ORC cho thấy 57% trong số 500 người được hỏi có phản ứng tích cực với bài phát biểu.
Giải tỏa nỗi lo
Một trong những điểm gây chú ý hiếm hoi về sự kiện nói trên là ông Trump có giọng điệu bớt gay gắt hơn và tầm nhìn về nước Mỹ lạc quan hơn so với bài diễn văn nhậm chức đọc hôm 20-1.
Có thể hiểu được sự thay đổi của ông Trump. Nhà lãnh đạo này đang cần sự ủng hộ của quốc hội giữa lúc các nghị sĩ, nội bộ Đảng Cộng hòa (GOP) của ông Trump vẫn đang chia rẽ sâu sắc hoặc không biết ông chủ Nhà Trắng muốn đi theo hướng nào đối với những vấn đề quan trọng như chăm sóc sức khỏe, cải cách thuế và hạ tầng.
Đài BBC nhận định bài diễn văn của ông Trump ít nhiều có thể giúp giải tỏa những nỗi lo trong lòng GOP về sự khởi đầu sóng gió của chính quyền ông Trump. Giờ đây, đã đến lúc quốc hội ra tay để biến những lời hứa của ông Trump thành hiện thực.
Dù vậy, không dễ để hai bên tìm được tiếng nói chung, ngay cả khi ông Trump có bài phát biểu không quá phi truyền thống như nhiều người lo ngại. Một ngày trước khi đọc diễn văn, ông Trump liên tục nhận thông điệp thách thức từ chính “người nhà” về đề xuất giảm ngân sách cho Bộ Ngoại giao và Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) để có thêm tiền cho quân sự (khoảng 54 tỉ USD).
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham cảnh báo kế hoạch ngân sách của ông Trump sẽ “chết” ngay khi được trình lên quốc hội. “Nếu loại bỏ quyền lực mềm, bạn sẽ không bao giờ giành chiến thắng trong cuộc chiến” - ông Graham nhắc nhở. Ông Mitch McConnell, thủ lĩnh phe đa số của GOP tại thượng viện, cũng dự báo quốc hội có lẽ sẽ nói không với đề xuất cắt giảm nói trên.
Ngay cả các cựu tướng lĩnh Mỹ cũng phản đối đề xuất của ông Trump. Trong lá thư gửi đến các nghị sĩ, hơn 120 cựu tướng 3-4 sao cho rằng việc tăng cường ngoại giao và phát triển đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn xung đột.
“Nếu Bộ Ngoại giao không được cấp ngân sách đầy đủ, tôi cần phải mua thêm đạn dược” - lá thư dẫn lại lời của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis khi ông còn là một tư lệnh ngoài chiến trường.
Chính sách nhập cư khó lường
Đài NBC News đã dùng từ “sốc” để đánh giá phần nói về nhập cư trong bài phát biểu của Tổng thống Donald Trump trước quốc hội đêm 28-2 dù những nội dung được nói tới không hề mới. Điều khiến nhiều người hụt hẫng là không thể tìm thấy “một số thỏa hiệp” mà ông Trump cũng như một số quan chức Nhà Trắng đã bắn tin cho báo giới từ trước.
Chỉ vài giờ trước khi phát biểu, tổng thống Mỹ nói sẽ cân nhắc hợp pháp hóa một số trường hợp nhập cư bất hợp pháp - bước ngoặt lớn trong chính sách - như một phần của thỏa thuận lưỡng đảng.
Tuy nhiên, bài phát biểu của ông lại nhấn mạnh tới câu chuyện tội ác của người nhập cư bất hợp pháp, đồng thời tán dương những động thái gần đây nhằm tăng cường hoạt động trục xuất. Tờ Chicago Tribune gọi đây là sự nhiễu loạn tín hiệu của Tổng thống Trump.
Trong khi đó, ông Frank Sharry - Giám đốc điều hành của nhóm luật sư về nhập cư America’s Voice - gọi “hứa hẹn thỏa hiệp” của ông Trump trước đó là “trò đùa tàn nhẫn”.
Dù nhận được không ít tràng vỗ tay trong bài phát biểu đầu tiên trước quốc hội, thậm chí với cả những chính sách gây tranh cãi nhất, một sự im lặng bao trùm và tiếp đó là tiếng xì xào phản đối khi ông chủ Nhà Trắng thông báo mở một cơ quan mới của chính phủ để hỗ trợ nạn nhân của những tội ác do người nhập cư gây ra.
Một ngày sau bài diễn văn trên, chính quyền ông Trump đưa ra sắc lệnh mới về nhập cư vào chiều 1-3 (giờ địa phương), giới chức chính phủ nói với ABC News. Theo AP, sắc lệnh mới sẽ loại Iraq ra khỏi danh sách 7 nước bị cấm nhập cảnh vào Mỹ theo sắc lệnh trước đó.
Thu Hằng
Bình luận (0)