Ông Trump "sẽ không xuất hiện tại một phiên tòa vi hiến" – ông Jason Miller, người phát ngôn của cựu Tổng thống Trump, thông báo hôm 4-2.
Trong lá thư gửi ông Trump trước đó cùng ngày, nghị sĩ Jamie Raskin – người dẫn đầu nỗ lực luận tội của Hạ viện, nhấn mạnh ông Trump phải ra tòa, bởi phản hồi chính thức đầu tiên của nhóm luật sư bào chữa cho cựu tổng thống Mỹ "đã phủ nhận nhiều cáo buộc có cơ sở được nêu trong điều khoản luận tội".
Hạ viện Mỹ đưa ra yêu cầu trên 5 ngày trước khi phiên tòa luận tội cựu Tổng thống Trump diễn ra tại Thượng viện, với cáo buộc kích động bạo lực ở Điện Capitol hôm 6-1.
"Nếu ông từ chối đề nghị này, chúng tôi sẽ bảo lưu mọi quyền, trong đó có quyền đề xuất tại phiên tòa luận tội rằng sự không hợp tác của ông ủng hộ mạnh mẽ một lập luận bất lợi liên quan đến hành động của ông vào ngày 6-1-2021" – Politico dẫn nội dung thư cho biết.
Cựu Tổng thống Donald Trump sẽ không ra làm chứng tại phiên tòa luận tội ông. Ảnh: Reuters
Ông Bruce Castor và ông David Schoen, luật sư của cựu Tổng thống Trump, gọi lá thư của nghị sĩ Raskin là "chiêu trò khuấy động dư luận" và nó cho thấy "các vị không thể chứng minh cáo buộc" nhằm vào ông Trump.
Phiên tòa luận tội cựu Tổng thống Trump dự kiến diễn ra vào ngày 9-2 tại Thượng viện, nhiều khả năng kéo dài trong vài ngày. Để kết tội ông Trump, điều khoản luận tội của Hạ viện phải nhận được sự tán thành của ít nhất 2/3 thượng nghị sĩ.
Phần lớn thượng nghị sĩ Cộng hòa, trong đó có ông Lindsey Graham, khẳng định phiên luận tội nói chung và yêu cầu ông Trump ra tòa nói riêng là "một ý tưởng tồi…chẳng mang lại lợi ích gì cho ai".
Bên cạnh đó, họ còn thách thức tính hợp hiến của phiên tòa luận tội, lập luận rằng Thượng viện không có thẩm quyền xét xử, bởi ông Trump đã rời Nhà Trắng và không thể bị phế truất.
Dù vậy, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nhấn mạnh phiên tòa luận tội phải diễn ra, bởi "chúng ta không thể đi lên nếu công lý không được thực thi".
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi khẳng định cả thế giới đang theo dõi phiên tòa luận tội cựu Tổng thống Donald Trump và "công lý phải được thực thi". Ảnh: Reuters
Bình luận (0)